TP HCM tính giá thu gom rác từ 1/6 thế nào

20/05/2025
TP HCM tính giá thu gom rác từ 1/6 thế nào

Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ở TP HCM được tính dựa trên thống kê khối lượng bình quân, chứ không phải cân đo mỗi ngày để quy ra tiền.

Theo Quyết định 67 vừa được UBND TP HCM ban hành, từ ngày 1/6 dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn sẽ áp dụng mức giá mới, thống nhất theo khu vực thay vì mỗi quận, huyện tự áp giá như trước. Thành phố chia làm ba khu vực, tương ứng theo các mức giá khác nhau, gồm: TP Thủ Đức và các quận, Cần Giờ – Nhà Bè – Hóc Môn, Bình Chánh – Củ Chi.

Đối với cá nhân, hộ gia đình khi chưa phân loại rác tại nguồn, giá thu gom và vận chuyển sẽ được tính dựa trên khối lượng rác phát sinh bình quân, với mức tối đa là 126 kg mỗi hộ mỗi tháng. Theo định mức này, hộ gia đình ở TP Thủ Đức và các quận mỗi tháng sẽ chi trả 61.000 đồng đối với thu gom và 23.000 đồng cho vận chuyển. Tại Hóc Môn – Nhà Bè – Cần Giờ, mức giá lần lượt là 57.000 đồng và 23.000 đồng. Khu vực còn lại là Bình Chánh – Củ Chi, hộ gia đình sẽ đóng 57.000 đồng tiền thu gom và 19.000 đồng vận chuyển. Các khoản tiền nêu trên chưa tính thuế giá trị gia tăng.

Xe thu gom rác sinh hoạt trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Ảnh: Thanh Tùng

Xe thu gom rác sinh hoạt trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài cá nhân, hộ gia đình, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP HCM cho biết với chủ nguồn thải là các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất – kinh doanh, khu công nghiệp…, việc tính giá thu gom, vận chuyển rác cũng sẽ thống kê và xác định khối lượng phát sinh bình quân, từ đó áp dụng theo khung giá mà thành phố ban hành, tuỳ theo khu vực. Việc thống kê, xác định khối lượng rác phát sinh này sẽ dựa trên sự thống nhất giữa người dân, chính quyền địa phương và đơn vị thu gom, chứ không phải đi cân rác mỗi ngày.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết khi thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn, các hộ gia đình sẽ không phải trả tiền cho phần khối lượng rác tái chế và nguy hại, nếu họ phân loại đúng. Còn đối với các loại rác sinh hoạt khác như thực phẩm, địa phương sẽ thống kê và xác định khối lượng bình quân, từ đó tính tiền cho các hộ theo khung giá của thành phố. Việc tính khối lượng này cũng thông qua nhiều cách, như: cân thực tế trong một khoảng thời gian nhất định được các bên thỏa thuận, hoặc quy đổi dựa trên dung tích thùng chứa rác.

"Chính quyền địa phương có thể chọn phương pháp khác phù hợp với địa bàn, đảm bảo thuận lợi cho người dân và đơn vị thu gom", đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường nói.

Giá thu gom – vận chuyển rác ở TP HCM từ ngày 1/6:

Quận, huyện

Khối lượng rác phát sinh mỗi tháng

Dưới 126 kg

126-250 kg

250-420 kg

Trên 420 kg

485 đồng/kg- 180 đồng/kg

TP Thủ Đức và các quận

61.000-23.000

91.000-34.000

163.000-60.000

Hóc Môn – Nhà Bè – Cần Giờ

57.000-23.000

85.000-34.000

152.000-60.000

452 đồng/kg-180 đồng/kg

Bình Chánh – Củ Chi

57.000-19.000

85.000-28.000

52.000-49.000

452 đồng/kg-147 đồng/kg

Ông Triệu Kim Bằng, Giám đốc HTX Môi trường quận Bình Tân, đồng tình việc áp dụng các mức giá và cách thức thực hiện theo Quyết định 67, bởi sẽ thuận tiện hơn cho đơn vị thu gom.

Theo ông, tại quận Bình Tân từ năm 2021 tới nay, giá thu gom rác được tính theo hộ gia đình, với mức chung là 46.000 đồng mỗi tháng, chưa tính chi phí vận chuyển. Việc này phát sinh bất cập là có hộ chỉ 2-3 người, khối lượng rác sẽ ít hơn hộ 9-10 người, nên khi áp dụng chung một mức giá dẫn đến người dân so sánh. Theo quy định mới áp dụng từ đầu tháng 6, tiền thu gom ở quận sẽ tăng thêm 15.000 đồng, cộng với định mức khối lượng là 126 kg mỗi tháng, sẽ có định lượng cụ thể hơn.

"Do đó, quy định mới đưa ra cách tính dựa theo khung định mức về kg rác phát sinh, cùng mức phí cụ thể giúp tính đúng, đủ cho hoạt động thu gom, vận chuyển", ông Bằng nói, thêm rằng thực tế ở địa bàn, chính quyền địa phương, đơn vị thu gom và người dân đều nắm rõ lượng rác trung bình hàng tháng. Vì vậy, các bên căn cứ vào đó và thống nhất áp dụng theo mức thu thành phố quy định, chứ không phải đi cân rác từng ngày như nhiều người đang thắc mắc.

Đồng quan điểm, bà Thu Dung, đại diện một đơn vị thu gom rác dân lập ở quận 12, cho biết việc thu tiền rác ở địa bàn được tính theo hộ. Với gia đình, mỗi tháng đóng 82.000 đồng bao gồm cả thu gom và vận chuyển, chưa tính thuế. Theo khung giá mới của thành phố, mức thu sẽ tăng nhẹ.

Ngoài ra, bà Dung cho rằng việc thu tiền rác theo hộ như hiện nay gặp bất cập là không chỉ giữa nhà ít người, nhà nhiều người, mà do các quận huyện tự áp giá nên có sự chênh lệch nhau. Chưa kể, khi các gia đình có đám tiệc, lễ Tết; thải ra loại rác khó xử lý như nệm, áo quần… hoặc có thêm nhiều thành viên đến sống nhưng mức giá không thay đổi, gây khó cho đơn vị thu gom.

"Mức phí mới ngoài tính sát hơn cũng tăng so với hiện nay sẽ thuận tiện cho đơn vị thu gom", bà Dung nói, thêm rằng đơn vị đang chờ địa phương làm việc cụ thể về quy định mới để triển khai đồng bộ từ đầu tháng 6 tới.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng giá thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ở thành phố áp dụng đồng đều theo định mức chung là cần thiết, giúp tránh tình trạng mỗi nơi thu mỗi kiểu. Theo ông, quy định mới so với hiện nay không thay đổi nhiều về cách thu, mà chỉ biến động nhẹ mức phí ở một số khu vực do thay đổi cơ cấu giữa giá thu gom và vận chuyển.

Vận chuyển rác về khu xử lý Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: Giang Anh

Vận chuyển rác về khu xử lý Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: Giang Anh

Tuy nhiên, để thuận tiện triển khai, ông Thuận cho rằng TP HCM nên phát phiếu cho các hộ đăng ký về mức phát sinh rác bình quân, kèm theo đó là cam kết về khối lượng, phân loại rác… Dựa trên kết quả này, thành phố sẽ ghi nhận sát hơn thực tế để điều chỉnh giá, khối lượng phù hợp với hộ gia đình.

Ngoài ra, ông Thuận cũng lưu ý tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 30% là rác xây dựng (xà bần, gạch vụn…), không phải rác sinh hoạt. Do đó, rác sinh hoạt thực tế của người dân có thể thấp hơn so với quy chuẩn là 126 kg mỗi tháng, mỗi hộ như hiện nay.

"Đồng thời, chính quyền địa phương nên là cơ quan trực tiếp thu phí thay vì giao cho các đơn vị hợp tác xã, tổ chức dân lập như hiện nay. Bởi địa phương nắm rõ địa bàn và có khả năng tốt hơn trong việc tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường", ông Thuận nói.

Theo thống kê, mỗi ngày TP HCM đang phát sinh khoảng 9.800 tấn rác thải sinh hoạt, cao điểm lễ, Tết con số này lên đến 11.000 tấn. Trong đó, phần lớn rác được thu gom rồi xử lý bằng phương pháp chôn lấp, số còn lại xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế…

Giang Anh – Lê Tuyết

Lượt xem: 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *