Thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng

21/05/2025
Thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan khẩn trương chuẩn bị để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng ngày 19/12 tại 5 điểm cầu.

Chủ trì họp với bộ ngành về triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc chiều tối 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng căn cứ mốc thời gian khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng để xây dựng đường găng tiến độ chi tiết.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà được giao phân công công việc cụ thể cho từng bộ ngành, tổ chức thực hiện khoa học, bài bản. Đồng thời, các bộ ngành tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn; chốt hướng tuyến gửi các địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng.

Nguồn vốn cho dự án cần có nhiều phương án như huy động vốn vay, vốn ngân hàng, vốn trái phiếu, đầu tư công, hợp tác công tư.

"Chuyển giao công nghệ là vấn đề rất cốt lõi, phải tiếp tục đàm phán với phía đối tác để tập trung chuyển giao vào hai lĩnh vực quan trọng là sản xuất đầu máy kéo và hệ thống thông tin tín hiệu", Thủ tướng lưu ý.

Nguồn nhân lực cần đào tạo theo các phương án gồm ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo ba mức công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.

Bộ Ngoại giao thúc đẩy hợp tác triển khai các tuyến đường sắt kết nối theo tinh thần tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc. Các bộ ngành, địa phương xử lý vướng mắc liên quan kỹ thuật, địa chất, đất đai, mặt bằng.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội hiện nay. Ảnh: Đoàn Loan

Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội hiện nay. Ảnh: Đoàn Loan

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã hoàn thành thiết kế ranh giải phóng mặt bằng, tọa độ tim tuyến, ga; hoàn thành đo đạc điều chỉnh hướng tuyến. Các địa phương đã lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng.

Chủ đầu tư đang lựa chọn tư vấn lập báo cáo tác động môi trường; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; lập dự toán các gói thầu tư vấn thiết kế; lập báo cáo nghiên cứu khả thi; tính toán, đăng ký nhu cầu vốn để trao đổi với đối tác.

Các tuyến đường sắt khác kết nối với Trung Quốc gồm Hà Nội – Đồng Đăng dài 156 km, tổng mức đầu tư 6 tỷ USD; Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái dài 187 km, tổng mức đầu tư 7 tỷ USD, đang được lập quy hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng dự thảo một số cơ chế, chính sách để đầu tư.

"Triển khai công việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Đồ họa: Hoàng Khánh

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng. Đồ họa: Hoàng Khánh

Giữa tháng 2, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD.

Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km; chiều dài tuyến nhánh 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại; phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất năm 2030.

Ngày 14/4, Việt Nam và Trung Quốc ký kết công thư trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Vũ Tuân

Lượt xem: 2

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *