Ông Trump xây dựng hình ảnh thân thiện khi thăm Trung Đông

17/05/2025
Ông Trump xây dựng hình ảnh thân thiện khi thăm Trung Đông

Chuyến công du ba nước Trung Đông cho thấy Tổng thống Trump hoàn toàn có thể là một lãnh đạo gần gũi, sẵn sàng gạt bỏ quá khứ để hợp tác.

Trong loạt phát biểu và bình luận ngẫu hứng khi thăm Trung Đông, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện mong muốn sẵn sàng gác lại quá khứ vì hòa bình và lợi ích cho tất cả các bên.

"Tôi chưa bao giờ tin vào việc có kẻ thù vĩnh viễn", ông nói hôm 13/5 tại Diễn đàn Đầu tư Arab Saudi – Mỹ ở Riyadh. "Tôi khác với nhiều người nghĩ".

Tuyên bố "không có kẻ thù vĩnh viễn" của ông nhằm ám chỉ Iran, quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ suốt thời gian dài. Không lâu sau, trong cùng bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng lại tiếp tục chìa ra một cành ô liu khác gây ngạc nhiên hơn.

Tổng thống Donald Trump nhận Huân chương Zayed, huân chương dân sự cao nhất của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Abu Dhabi hôm 15/5. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump nhận Huân chương Zayed, huân chương dân sự cao nhất của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Abu Dhabi hôm 15/5. Ảnh: AP

Tổng thống Trump cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria, mang lại hy vọng lột xác cho một đất nước đã bị tàn phá nặng nề bởi hàng thập kỷ xung đột, nội chiến, khủng bố cũng như bị quốc tế cô lập.

"Các lệnh trừng phạt tàn bạo và làm tê liệt Syria, nhưng thực sự, vào thời điểm đó, nó có vai trò quan trọng", ông nói. "Bây giờ, đã đến lúc họ tỏa sáng".

Sáng hôm sau, ông Trump gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo hai nước gặp mặt trong 25 năm. Ông Sharaa là người lãnh đạo liên minh vũ trang đã lật đổ cựu tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 12 năm ngoái.

Ông Trump tỏ ra ấn tượng với ông Sharaa, đánh giá cao khả năng lãnh đạo quân sự của Tổng thống lâm thời Syria.

"Một người đàn ông trẻ tuổi, lôi cuốn. Một người đàn ông cứng rắn, có quá khứ dữ dội. Một chiến binh", Tổng thống Mỹ nhận xét về lãnh đạo Syria trước báo giới.

Ông cho biết đã cam kết dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria theo lời kêu gọi từ Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Sau khi nói chuyện với họ, ông đã đảo ngược 1/4 thế kỷ thù địch giữa Washington và Damascus.

Tổng thống Trump ngày 16/5 khép lại chuyến công du Trung Đông sau khi được chào đón tại Abu Dhabi, thủ đô Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và được trao tặng Huân chương Zayed, giải thưởng dân sự cao nhất của nước này.

Giới chuyên gia nhận định chuyến đi lần này đã bộc lộ rõ ràng khía cạnh thân thiện của ông chủ Nhà Trắng. Tổng thống gạt bỏ những bất đồng với Qatar, quốc gia mà ông từng mô tả trong nhiệm kỳ đầu tiên là "bên tài trợ khủng bố ở mức độ rất lớn".

Hôm 14/5, ông gọi Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani là "một người bạn cũ" và công khai cảm ơn nước này vì tặng ông một chiếc máy bay hạng sang trị giá 400 triệu USD để thay thế chuyên cơ Không lực Một.

Với Iran, Tổng thống Trump đã khiến một số cố vấn ngạc nhiên khi ông dễ dàng gạt bỏ những hiềm khích cũ. Năm ngoái, bồi thẩm đoàn liên bang tại Washington đã truy tố ba thành viên thuộc một đơn vị gián điệp mạng có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vì cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công trên diện rộng nhắm vào những chính trị gia, quan chức, nhà báo và vụ tấn công mạng vào chiến dịch tranh cử của ông Trump. Iran phủ nhận cáo buộc.

Và năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cáo buộc một công dân Iran có liên quan đến âm mưu ám sát nhằm vào Tổng thống.

Vào cuối chiến dịch tranh cử, nhiều người nói rằng Tehran sẽ hối hận về hành động của mình nếu ông Trump thắng cử. Họ dẫn chứng việc trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã không ngần ngại ra lệnh hạ sát một sĩ quan quyền lực của Iran, tướng Qassem Soleimani.

Nhưng kể từ khi nhậm chức lần thứ hai, Tổng thống Trump cho thấy ông khá kiềm chế trong các hành động đối với Tehran. Ông đến nay vẫn phản đối kế hoạch của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ném bom phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chào đón Tổng thống Trump trong lễ đón chính thức tại Amiri Diwan ở Doha ngày 14/5. Ảnh: AP

Quốc vương Qatar chào đón Tổng thống Trump trong lễ đón chính thức tại Amiri Diwan ở Doha ngày 14/5. Ảnh: AP

Tổng thống Trump nói rằng ông muốn có một thỏa thuận và đã trao quyền cho đặc phái viên Steve Witkoff đàm phán với Iran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mặc dù tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự nếu đàm phán thất bại, các cố vấn của Tổng thống cho biết ông vẫn cố gắng hết sức nhằm tránh thổi bùng giao tranh với Iran, điều mà ông tin sẽ là thảm họa với Mỹ.

"Tôi sẵn sàng chấm dứt các cuộc xung đột trong quá khứ để xây dựng quan hệ đối tác mới vì một thế giới tốt đẹp và ổn định hơn, ngay cả khi những khác biệt của chúng ta có thể rất sâu sắc, điều rõ ràng trong trường hợp của Iran", ông phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp ở Riyadh hôm 13/5.

"Trên thực tế, một số quốc gia thân thiết nhất của Mỹ là những nước chúng tôi từng đối đầu suốt nhiều thế hệ, nhưng nay họ là bạn và là đồng minh với chúng tôi", ông nói thêm.

Tối 14/5, giữa phòng tiệc xa hoa tại Cung điện Lusail ở Doha, Tổng thống Trump đã đề nghị Quốc vương Qatar, đồng minh thân cận với chính phủ Iran, giúp ông tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân với Tehran.

"Tôi hy vọng ngài giúp tôi giải quyết tình hình Iran", ông Trump nói với Quốc vương Al Thani đang đứng bên cạnh. "Bởi vì đây là một tình huống nguy hiểm và chúng tôi muốn làm điều đúng đắn. Chúng tôi muốn làm điều gì đó có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng".

Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao của ông đôi khi có những tuyên bố trái ngược về những gì họ yêu cầu từ Iran để hai nước có thể tiến tới một thỏa thuận. Không rõ hai bên đã làm rõ các chi tiết ở mức độ nào, nhưng ông chủ Nhà Trắng đã thể hiện ông hoàn toàn nghiêm túc về nỗ lực ngoại giao với Iran.

Hôm 15/5, Tổng thống chia sẻ lên mạng xã hội bài viết từ NBC News đưa tin rằng một quan chức cấp cao Iran đã bày tỏ quan điểm cởi mở của Tehran trong việc đạt thỏa thuận hạt nhân với Washington. Ông tuyên bố nhóm đàm phán đã "tiến rất gần" tới đích.

"Iran đã đồng ý với các điều khoản. Họ sẽ không tạo ra bụi hạt nhân, theo cách gọi thân thiện", ông nói. "Chúng tôi sẽ không tạo ra bất kỳ bụi hạt nhân nào ở Iran".

Một ý tưởng mà các quan chức Iran đã thảo luận là khả năng thành lập liên doanh làm giàu uranium chung như giải pháp thay thế cho yêu cầu từ Washington rằng Tehran phải hủy bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, vốn được Iran tuyên bố là phục vụ mục đích hòa bình.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Trump tại Cung điện Hoàng gia ở Riyadh hôm 13/5. Ảnh: AP

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Trump tại Cung điện Hoàng gia ở Riyadh hôm 13/5. Ảnh: AP

Nhưng bên cạnh những cử chỉ thân thiện hay tuyên bố về việc không có kẻ thù vĩnh viễn, hòa bình thế giới và thịnh vượng cho tất cả mọi người, Tổng thống Trump cũng vạch ra giới hạn của mình.

Trên chuyến bay từ Riyadh đến Doha, ông đã gửi đi một thông điệp cứng rắn tới Tehran.

"Hy vọng họ sẽ đưa ra quyết định đúng đắn vì sẽ có điều gì đó xảy ra theo cách này hay cách khác", ông cho hay. "Họ không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Vì vậy, chúng tôi có thể làm mọi thứ một cách thân thiện hoặc không thân thiện và điều này sẽ không dễ chịu chút nào".

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, AP)

Lượt xem: 3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *