Các gia đình Hàn Quốc phải dành nhiều tiền và thời gian cho con theo học các trung tâm dạy thêm, khiến một số phụ huynh có lúc cảm thấy hối hận vì đã sinh con.
"Đây thực sự là một cuộc chiến. Không thể quay đầu", Ahn Ji-won, người mẹ 49 tuổi sống ở ngoại ô Seoul, chia sẻ nỗi căng thẳng về xu hướng tập trung quá mức vào thành tích học tập ở Hàn Quốc.
Cuộc đua giáo dục khốc liệt ở nước này khiến nhiều trẻ mẫu giáo cũng phải theo học các trung tâm dạy thêm tư nhân để được chuẩn bị thêm trước khi vào tiểu học, thường với học phí rất cao.
Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, phụ huynh nước này đã chi 19 tỷ USD trong năm 2024 để gửi con cái đang học tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông đến các trường luyện thi tư nhân, còn gọi là hagwon.
Đây là mức tăng kỷ lục năm thứ 4 liên tiếp, dù tổng số học sinh đã giảm xuống 5,13 triệu vào năm 2024, so với 5,21 triệu vào năm 2023. Thống kê cho thấy 80% học sinh nước này được giáo dục tại hagwon.
Trung bình, phụ huynh Hàn Quốc chi hơn 370 USD mỗi tháng để con em là học sinh trung học phổ thông đi học thêm. Ở vùng đắt đỏ nhất là Seoul, mức này tăng lên hơn 480 USD mỗi tháng.
Học sinh Hàn Quốc về nhà lúc 22h, sau các tiết học luyện thi ở Gangnam, Seoul, cuối năm 2024. Ảnh: Kyodo
Vợ chồng Ahn ở ngoại ô Seoul chi tới 4.300 USD mỗi tháng đóng học phí hagwon cho hai con trai. Con lớn đang ôn thi vào trường y sau khi trượt vào năm ngoái. Con nhỏ đang học trung học cơ sở.
Cả hai vợ chồng đều đi làm, nhưng phí học thêm cho hai con chiếm tới 70% chi tiêu của gia đình. "Có lúc tôi thấy hối hận vì có con, tôi không thể chuẩn bị tài chính cho lúc mình về già", Ahn nói.
Ngoài phí học thêm cao, các phụ huynh cũng phải hy sinh rất nhiều để hỗ trợ con cái học hành. Học sinh thường đổi lò luyện thi theo từng môn khác nhau. Thậm chí còn có các hagwon luyện thi để vào các hagwon nổi tiếng khác. Học sinh học từ sáng đến tối, vào cuối tuần và ngày lễ, trong khi phụ huynh phải dành thời gian đưa đón.
Tại Daechi, khu phố giàu có ở Gangnam, Seoul, đường phố ban đêm thường xuyên tắc nghẽn do phụ huynh đỗ xe chờ đón con học thêm, khiến cảnh sát phải thường xuyên hiện diện để điều phối giao thông. Khung cảnh này được mô tả là "địa ngục trường luyện thi".
Phụ huynh đỗ xe nối đuôi nhau chờ đón con học thêm ở Daechi, Seoul, Hàn Quốc, tháng 11/2024. Ảnh: Kyodo
Daechi được xem là "thánh địa luyện thi của Hàn Quốc", với hơn 950 hagwon, nổi tiếng với tỷ lệ học sinh đỗ các đại học hàng đầu cao nhất cả nước. Một số gia đình thậm chí chuyển nhà đến Daechi vì mục đích giáo dục cho con cái.
Con trai cả của Ahn đã theo học hagwon từ hồi tiểu học. Cậu ngủ chưa đầy 5 tiếng mỗi đêm để ôn thi tuyển sinh trung học cơ sở. "Bọn trẻ hoàn toàn không có thời gian chơi đùa, kể cả nghỉ hè", Ahn nói.
Sau khi trượt kỳ thi tuyển sinh trường y vào năm ngoái, cậu đã theo học tại một hagwon nổi tiếng ở Daechi, nơi từng đào tạo nhiều học sinh đỗ kỳ thi này.
Biển hiệu hagwon dày đặc trên phố Deachi, Gangnam, Seoul. Ảnh: Korea Herald
Nhằm giảm nhu cầu học thêm và tạo cạnh tranh thi cử công bằng hơn, hồi năm 2023, tổng thống Hàn Quốc khi đó Yoon Suk-yeol đã loại bỏ những câu hỏi đặc biệt khó, nằm ngoài chương trình giảng dạy của trường công, khỏi kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (CSAT).
Tuy nhiên, chính sách không tạo được tác động chú ý. Ngược lại, tâm lý bất an trước thay đổi khiến các phụ huynh còn tăng mạnh đầu tư giáo dục cho con cái tại các hagwon hơn.
Biết rõ áp lực phí học thêm cho con cái mà phụ huynh Hàn Quốc phải gánh, Ahn thường khuyên cấp dưới của mình: "Nếu không muốn đánh đổi cả đời, tốt nhất đừng sinh con".
Đức Trung (Theo Mainichi, JoongAng Ilbo)