Nga có thể đã tập kích căn cứ F-16 Ukraine bằng UAV phản lực

20/05/2025
Nga có thể đã tập kích căn cứ F-16 Ukraine bằng UAV phản lực

Truyền thông Nga nói rằng nước này đã triển khai UAV Geran-3 lắp động cơ phản lực trong trận tập kích dữ dội nhằm vào căn cứ F-16 Ukraine.

Quân đội Nga ngày 18/5 triển khai 273 máy bay không người lái (UAV) tự sát tầm xa Geran và phi cơ mồi bẫy nhằm vào Ukraine, đánh dấu cuộc tập kích UAV lớn nhất kể từ đầu chiến sự. Không quân Ukraine tuyên bố bắn hạ 88 UAV tự sát và làm lạc đường 128 phi cơ mồi bẫy, nhưng ngầm thừa nhận đã để lọt 57 máy bay.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/5 thông báo đã tập kích cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự Ukraine, nhưng không nêu mục tiêu cụ thể. Truyền thông Nga nói rằng đòn tập kích nhằm vào sân bay Vasilkov ở tỉnh Kiev, một trong những nơi đóng quân của phi đội F-16 Ukraine và gây ra đám cháy lớn hoành hành suốt nhiều giờ.

Lính cứu hỏa Ukraine tại hiện trường vụ tập kích ở ngoại ô thành phố Kiev ngày 18/5. Ảnh: Reuters

Lính cứu hỏa Ukraine tại hiện trường vụ tập kích ở ngoại ô thành phố Kiev ngày 18/5. Ảnh: Reuters

Tài khoản Yurasumy chuyên đưa tin về lực lượng Nga, với hơn 3,1 triệu lượt theo dõi trên Telegram, cho biết quân đội nước này đã sử dụng UAV Geran-3 trang bị động cơ phản lực trong trận tập kích ngày 18/5. Đây được cho là phiên bản Nga tự sản xuất dựa trên thiết kế UAV tự sát Shahed-238 được Iran ra mắt năm 2023.

UAV Geran-3 có thể mang đầu đạn nặng tới 300 kg, so với mức 50-90 kg của dòng Geran-2 sử dụng động cơ cánh quạt. Tốc độ và trần bay của UAV phản lực cũng hơn nhiều so với dòng Geran-2.

"Geran-3 về cơ bản là phiên bản giá rẻ của tên lửa hành trình Kalibr. UAV này có thể mang đầu đạn gần tương đương tên lửa hành trình, đạt hiệu quả sát thương không thua kém những vũ khí đắt tiền. Tuy nhiên, chúng mới được triển khai với số lượng nhỏ", Yurasumy cho hay.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 19/5 nhận định Nga đang liên tục thay đổi chiến thuật tập kích bằng UAV tầm xa nhằm áp đảo lưới phòng không của Ukraine, cũng như giảm hiệu quả các khẩu đội phòng không cơ động chuyên đối phó loại vũ khí này.

Giới chuyên gia cho biết UAV phản lực thường khó đối phó hơn UAV dùng động cơ piston cánh quạt, nhờ tốc độ và trần bay cao hơn.

Tuy nhiên, động cơ phản lực tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn, buộc nhà sản xuất chọn giữa thu nhỏ đầu đạn để tăng kích thước khoang chứa dầu, hoặc chấp nhận giảm tầm bay để giữ nguyên sức sát thương. Lượng nhiệt lớn tỏa ra từ động cơ cũng khiến UAV phản lực dễ bị phát hiện hoặc phá hủy bởi vũ khí tầm nhiệt.

UAV Shahed-238 của Iran, được cho là cơ sở của mẫu Geran-3 do Nga chế tạo. Ảnh: Army Recognition

UAV Shahed-238 được Iran ra mắt hồi năm 2023. Ảnh: Army Recognition

Dòng Shahed-238 của Iran có ít nhất ba phiên bản với hệ thống dẫn đường khác nhau. Ngoài mẫu trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh như phiên bản nguyên gốc, Shahed-238 còn có biến thể sử dụng đầu dò quang – hồng ngoại và radar.

Phiên bản dùng đầu dò quang – hồng ngoại có thể tấn công mục tiêu với độ tương phản cao và phát ra nhiều nhiệt lượng, đặc biệt là khí tài nằm ở hậu phương. Biến thể trang bị radar có thể khóa mục tiêu có độ phản xạ radar cao hoặc bám theo chùm sóng từ đài phát đối phương, phù hợp nhiệm vụ tấn công các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử.

Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, New Voice of Ukraine, AP)

Lượt xem: 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *