Mặt tối của cà phê chồn

15/05/2025
Mặt tối của cà phê chồn

Loại cà phê lấy từ phân chồn, được bán với giá tới hơn 1.000 USD mỗi kg, gây tranh cãi về đạo đức suốt nhiều năm.

Kopi Luwak, một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới, nổi tiếng ở Bali và nhiều vùng khác của Indonesia. Hạt cà phê được cầy vòi đốm ăn, tiêu hóa và thải ra qua phân, tạo nên hương vị độc đáo nhờ enzym tiêu hóa làm giảm độ chua, mang lại tách cà phê vị dịu hơn.

Theo nghiên cứu của chuyên gia Murna Muzaifa từ Đại học Syiah Kuala, Kopi Luwak đạt 84,5 điểm theo thang của Hiệp hội cà phê đặc sản SCA, thuộc loại cà phê đặc sản chất lượng cao. Giá cà phê dao động từ 100 đến 1.300 USD mỗi kg, tùy thuộc vào cách chế biến và nguồn gốc.

Ban đầu, việc buôn bán Kopi Luwak mang lại lợi ích cho cầy vòi đốm ở Indonesia. Loài này vốn bị xem là có hại vì ăn trái cây ở các nông trại nhưng khi Kopi Luwak có tiếng, người dân địa phương bắt đầu bảo vệ chúng để thu thập phân chứa hạt cà phê quý giá.

Khi nhu cầu tăng cao, quy trình sản xuất đã thay đổi. Thay vì thu thập từ tự nhiên, nhiều trang trại ở Indonesia nhốt cầy vòi đốm trong lồng chật chội, bẩn thỉu, đầy phân và nước tiểu.

Tổ chức Bảo vệ Động vật (PETA) cho biết 80% Kopi Luwak gắn nhãn "nguồn gốc hoang dã" là gian dối. Điều tra của họ tại Indonesia và Philippines cho thấy cầy bị bắt từ tự nhiên, nhốt trong lồng nhỏ, thiếu dinh dưỡng và vận động, dẫn đến hành vi bất thường, suy dinh dưỡng, rụng lông và nhiễm trùng do đứng trên lưới sắt hoặc bị ép ăn quả cà phê.

Một con cầy hương bị nhốt trong lồng ở Bali. Ảnh: CNBC

Một con cầy hương bị nhốt trong lồng ở Bali. Ảnh: CNBC

PETA cảnh báo du khách ở Bali tránh sử dụng Kopi Luwak vì nhiều hướng dẫn viên Du lịch nói dối cà phê đến từ cầy hoang dã. Ngoài ra, stress từ việc bị nuôi nhốt có thể làm giảm chất lượng hương vị cà phê.

Indonesia có nhiều lựa chọn cà phê chất lượng cao và đạo đức hơn như cà phê Gayo từ cao nguyên Sumatra với hương vị đậm đà hay Toraja từ Sulawesi với quy trình truyền thống, theo nhà rang Snake Bite Coffee từ Mỹ. Lựa chọn cà phê bền vững mang lại trải nghiệm tuyệt vời, góp phần xây dựng ngành cà phê đạo đức và bảo vệ môi trường.

"Cà phê Indonesia có nhiều điều thú vị nhưng không phải bằng nỗi đau của cầy vòi đốm", đại diện PETA nhấn mạnh.

Hoài Anh (Theo CNBC, NatGeo, Snake Bite Coffee)

Lượt xem: 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *