Lý do khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng vượt bậc

16/05/2025
Lý do khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng vượt bậc

Ẩm thực, thời tiết, an toàn tại Việt Nam tạo cho khách Trung cảm giác "gần gũi như ở nhà", khiến lượng khách đến tăng mạnh trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

"Tôi đến Việt Nam hai lần rồi, lần nào cũng thấy vui", Trần Anh, đến từ Trung Quốc, nói khi Du lịch Hội An giữa tháng 5. Nữ du khách 25 tuổi thích Việt Nam vì khoảng cách địa lý gần có thể nhập cảnh bằng đường bộ, chi phí du lịch rẻ và có nhiều bãi biển đẹp. Việt Nam được nữ du khách đánh giá cao về độ an toàn, dù ra đường đi dạo vào lúc trời tối cũng "không cảm thấy lo lắng".

Theo số liệu của Cục Thống kê công bố hôm 6/5, Trung Quốc đại lục đang là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, với gần 1,95 triệu lượt trên tổng 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 15% so với năm đỉnh cao du lịch 2019.

Từ đầu năm 2023, Trung Quốc bắt đầu mở cửa biên giới sau đại dịch. Tuy nhiên, trong hai năm 2023-2024, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn chưa quay trở lại thời điểm hoàng kim như năm 2019. Hai năm này, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách đông nhất nhưng sang đến 2025, thứ tự đã thay đổi.

Phó Tổng giám đốc Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết từ đầu năm, công ty ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng khách Trung Quốc so với cùng kỳ 2024, với mức tăng 30%. Khách Trung Quốc chủ yếu đến các điểm có biển và nhiều khu nghỉ cao cấp như Đà Nẵng, Nha Trang Phú Quốc. Bên cạnh đó, tour khám phá văn hóa, lịch sử tại Hà Nội, Huế cũng nhận được nhiều yêu cầu.

Du khách Trung Quốc tham quan Bưu điện Thành phố, TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh

Du khách Trung Quốc tham quan Bưu điện Thành phố, TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh

Ông Vũ nhận định thị trường Trung Quốc dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm là một tín hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn mong đợi nhưng không bất ngờ. "Điều này hoàn toàn nằm trong dự báo của ngành du lịch vì Trung Quốc luôn là một trong những thị trường lớn nhất", ông Vũ nói.

"Con số 1,95 triệu lượt này còn cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam đối với thị trường tỷ dân này", Viện trưởng Phát triển châu Á Phạm Hải Quỳnh nói thêm. Với đà phục hồi này, Trung Quốc có thể là thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam năm 2025.

Theo ông Quỳnh, các yếu tố "then chốt" giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách Trung Quốc chính là mức chi phí sinh hoạt, dịch vụ du lịch rẻ; nhiều bãi biển đẹp; văn hóa phong phú và ẩm thực hấp dẫn. Vùng du lịch ven các cửa khẩu của Trung Quốc cũng là một sức hút để khách sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều chính sách song phương, nới lỏng visa góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

Vị trí địa lý thuận tiện cũng là yếu tố hút khách Trung, theo CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt. So với các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan, Việt Nam có lợi thế gần Trung Quốc nhất. Do đó, khách nhập cảnh Việt Nam ngoài đường bay và biển còn có đường bộ, vừa thuận tiện vừa ít tốn chi phí. Trong khi đó, khách Trung Quốc muốn đến ba nước còn lại đều phải bay hoặc cập cảng đường biển.

Trước dịch, khách Trung Quốc thường thích đến Mỹ, châu Âu và các nước Bắc Á như Nhật Bản. Tuy nhiên, sau dịch, kinh tế thế giới suy thoái, người dân các nước chắt chặt chi tiêu nhiều hơn. Người dân Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Do đó, nếu muốn du lịch quốc tế và đến những nơi có biển, Việt Nam chính là ưu tiên hàng đầu nhờ chi phí rẻ, biển đẹp, hải sản tươi ngon.

Ngoài ra, thói quen sinh hoạt, thời tiết giữa hai nước tương đồng, nhiều hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng khách sạn biết nói tiếng Trung, điều này tạo cảm giác "gần gũi như ở nhà" cho du khách.

Việc nối lại các đường bay thẳng cũng góp phần giúp di chuyển giữa hai nước dễ dàng, tiết kiệm hơn. Các chuyến bay charter cũng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu du lịch của một bộ phận không nhỏ của người dân Trung Quốc. Khôi phục và mở mới hàng loạt đường bay thẳng, tăng tần suất chuyến bay, nối lại các tour đoàn đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy giúp tăng trưởng lượng khách rõ rệt, đặc biệt tại các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Hà Nội, TP HCM, theo ông Vũ của Du lịch Việt.

Sau đại dịch, hành vi và xu hướng du lịch của khách Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Viện trưởng Phát triển châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết họ ưu tiên các điểm đến an toàn, có dịch vụ y tế tốt. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia gây ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp với thế giới trong việc triển khai phòng chống dịch. Do vậy, Việt Nam là lựa chọn an toàn, thân thiện cho khách Trung trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Ngoài ra, khách Trung hiện nay thích chọn các chuyến đi ngắn ngày, tiện lợi và có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, thay vì du lịch đại chúng, giá rẻ như các tour 0 đồng trước đây. Họ cũng thích khám phá, tập trung vào trải nghiệm nhiều hơn. Việt Nam đã tận dụng tốt điều này bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, quảng bá mạnh mẽ các điểm đến an toàn và hấp dẫn từ đó tăng thêm sức hút cho điểm đến, cho du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, để du lịch Việt phát triển cả về lượng và chất, các chuyên gia cho rằng ngành cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ các tour 0 đồng hoặc siêu rẻ, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Để làm được điều này, Việt Nam cần có quy hoạch rõ ràng và giới hạn số lượng khách tại các điểm du lịch nổi tiếng, đầu tư đào tạo nhân viên và nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, thiết lập cơ chế giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sai phạm.

CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng bên cạnh các giải pháp trên, Việt Nam cần tiếp cận và quảng bá du lịch với các khách hàng nhà giàu Trung Quốc. Khác với khách châu Âu thiên về các trải nghiệm, khách nhà giàu Trung Quốc rất thích mua sắm và chịu chi.

"Chúng ta cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để các tệp khách chịu chi này biết đến Việt Nam nhiều hơn. Họ chính là những con gà đẻ trứng vàng", ông Đạt nói.

Phương Anh

Lượt xem: 3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *