Istanbul – thành phố hai lần diễn ra đàm phán giữa Nga và Ukraine

17/05/2025
Istanbul - thành phố hai lần diễn ra đàm phán giữa Nga và Ukraine

Cuộc đàm phán Nga – Ukraine diễn ra tại Istanbul, thành phố nối liền hai châu lục Á-Âu có lịch sử lâu đời và văn hóa đa dạng.

Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi đang diễn ra cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột. Đây là lần thứ hai thành phố được chọn để tổ chức sự kiện như vậy. Nga và Ukraine từng tổ chức hòa đàm ở đây hồi tháng 3/2022, nhưng đối thoại rơi vào bế tắc trước khi Tổng thống Zelensky quyết định chấm dứt đàm phán vào tháng 4/2022.

Ankara là thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Istanbul thường được chọn làm nơi tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng bởi vị trí địa lý, lịch sử và văn hóa. Với dân số hơn 15 triệu người, tương đương 19% dân số đất nước, Istanbul là thành phố đông dân nhất ở châu Âu và thành phố có dân số lớn thứ 17 thế giới.

Quang cảnh thành phố Istanbul trước đàm phán Nga - Ukraine

Quang cảnh thành phố Istanbul trước đàm phán Nga – Ukraine

Quang cảnh thành phố Istanbul ngày 13/5. Video: Reuters

Istanbul là thành phố duy nhất trên thế giới nằm trên cả hai châu lục: châu Âu và châu Á, được ngăn cách bởi eo biển Bosphorus, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, nối biển Marmara và Biển Đen. Điều này khiến thành phố trở thành biểu tượng của sự giao thoa giữa Đông và Tây, giữa châu Âu hiện đại và châu Á truyền thống.

Istanbul có lịch sử lâu đời, từng có tên là Constantinople thời trước năm 1930. Thành phố vốn do người Hy Lạp xây dựng từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và từng là trung tâm quyền lực của các đế chế La Mã, Byzantine, Latin và Ottoman trong gần 1.600 năm, từ năm 330 tới 1922.

Một chiếc thuyền đỗ trước thánh đường Hồi giáo ở Istanbul hồi năm 2021. Ảnh: Reuters

Một chiếc thuyền đỗ trước thánh đường Hồi giáo ở Istanbul hồi năm 2021. Ảnh: Reuters

Sau khi Constantinople thuộc Đế chế Byzantine thất thủ vào năm 1453, thành phố trở thành trung tâm quyền lực của các hoàng đế Ottoman – những người Hồi giáo cai trị dân cư đa tôn giáo, trong đó có các cộng đồng Thiên Chúa giáo và Do Thái.

Có những ý kiến cho rằng vị trí địa lý gần Địa Trung Hải dễ khiến Istanbul thành mục tiêu bị chiếm đóng. Đó là một trong những nguyên nhân những người sáng lập nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại chuyển trụ sở chính quyền đến Ankara, thành phố nằm sâu trong đất liền.

Tuy nhiên, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ được suy nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức rằng Istanbul mới là trung tâm thực sự của đời sống Thổ Nhĩ Kỳ. Trên đường phố Istanbul, các thánh đường Hồi giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và giáo đường Do thái nằm cạnh nhau. Các trường học Anh, Pháp, Đức và Mỹ xây từ thế kỷ 19 tập trung ở những khu phố giàu có hơn. Dấu vết quá khứ thể hiện trong nền ẩm thực kết hợp giữa ảnh hưởng của Ba Tư, Arab, Balkan và Địa Trung Hải.

Vị trí Istanbul, cầu nối giữa hai lục địa Âu - Á. Ảnh: Maps-Istanbul

Vị trí Istanbul, cầu nối giữa hai lục địa Á-Âu. Ảnh: Maps-Istanbul

Nigar Goksel, thành viên Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ và lập trường cân bằng mà nước này duy trì nhiều năm đã giúp họ chiếm ưu thế trong nỗ lực trở thành bên tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Lĩnh vực quốc phòng đang phát triển của Ankara cũng giúp họ tăng vị thế.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine. Nước này cung cấp máy bay không người lái cho Kiev, trong khi không ủng hộ các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu nhắm vào Moskva.

Ngoài hỗ trợ tổ chức đàm phán Nga – Ukraine, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn đang triển khai nỗ lực ngoại giao để xoa dịu quan hệ của Syria với phương Tây và thúc đẩy đàm phán hạt nhân Iran. Nếu thành công, những nỗ lực này có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng vị thế trên trường quốc tế bằng hình ảnh một điểm đến của ngoại giao hòa bình.

"Hiện giờ, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một trong những trung tâm ngoại giao hòa bình", Tổng thống Erdogan nói trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền. "Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là một trong những quốc gia mà mọi người tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ, làm trung gian giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu".

Hồng Hạnh (Theo Reuters/Prospect)

Lượt xem: 2

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *