EU áp lệnh trừng phạt với ‘đội tàu bóng tối’ Nga

21/05/2025
EU áp lệnh trừng phạt với 'đội tàu bóng tối' Nga

EU thông qua loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, nhắm vào các phương tiện bị cho là thuộc "đội tàu bóng tối" của nước này.

"Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, nhắm vào gần 200 phương tiện thuộc đội tàu bóng tối", Kaja Kallas, quan chức đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của EU, ngày 20/5 thông báo.

"Đội tàu bóng tối" là thuật ngữ phương Tây dùng để chỉ đội tàu mà họ cho rằng Nga sử dụng để lách lệnh trừng phạt, được quản lý thông qua mạng lưới các công ty bình phong để che giấu quyền sở hữu.

EU lên kế hoạch trừng phạt Nga từ lâu và gói mới nhất được các thành viên liên minh chấp thuận tuần trước. Trước khi thông qua, các lãnh đạo EU cảnh báo liên minh sẽ trừng phạt nặng Nga vì chậm trễ trong thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.

Ngoài việc đưa gần 200 tàu chở dầu nghi thuộc "đội tàu bóng tối" vào danh sách đen để hạn chế khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Nga, gói trừng phạt mới còn có lệnh đóng băng tài sản và cấm cấp thị thực đối với hàng chục quan chức Nga.

Tàu dầu Eventin bị nghi thuộc đội tàu bóng tối của Nga ở ngoài khơi bờ biển nước Đức ngày 10/1. Ảnh: AP

Tàu dầu Eventin bị nghi thuộc "đội tàu bóng tối" của Nga ở ngoài khơi bờ biển nước Đức ngày 10/1. Ảnh: AP

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh công bố 100 lệnh trừng phạt nhằm vào "các thực thể hỗ trợ quân đội, xuất khẩu năng lượng và chiến tranh thông tin" của Nga. Ngoài ra, Anh cũng trừng phạt các tổ chức tài chính hỗ trợ cho chiến dịch của Nga nhằm vào Ukraine.

"Lệnh trừng phạt của Anh và các nước phương Tây khác đang gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga", Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích các động thái trừng phạt của châu Âu. "Ngay sau các cuộc đàm phán, ông Zelensky và các đồng minh châu Âu lên tiếng ủng hộ tăng cường các lệnh trừng phạt chống Nga. Họ lại ca bài cũ rằng Nga ‘không đáng tin cậy’ và ‘cần bị trừng phạt’ vì không làm theo yêu sách ngừng bắn 30 ngày mà họ đưa ra".

"Họ chỉ cần nhớ điều này một lần, hãy ghi lại đâu đó hoặc nhờ trợ lý trình bày kịp thời, rằng Nga không bao giờ phản hồi tối hậu thư", bà Zakharova nói.

Loạt lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm ngày 19/5. Ông Trump thông báo Nga và Ukraine sẽ "bắt đầu ngay lập tức đàm phán hướng đến lệnh ngừng bắn".

Ukraine đã nhiều lần đề xuất ngừng bắn 30 ngày nhưng Nga chưa chấp nhận. Trong cuộc gọi với ông Trump, ông Putin nói rằng ông sẵn sàng làm việc với Ukraine về một "bản ghi nhớ" phác thảo lộ trình khả thi và các lập trường về kết thúc chiến sự.

Cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, diễn ra vào ngày 16/5 tại Istanbul. Các quan chức Nga cho biết nước này hài lòng với kết quả và sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Ukraine. Trong khi đó, Ukraine bày tỏ không hài lòng và cho rằng Nga nêu ra những điều kiện "không thể chấp nhận được".

Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, TASS)

Lượt xem: 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *