Bulgaria tiếp nhận tiêm kích F-16 đầu tiên trong lô 16 chiếc đặt mua từ Mỹ nhằm thay thế phi đội MiG-29 sản xuất từ thời Liên Xô.
Lễ tiếp nhận tiêm kích F-16 cho Bulgaria diễn ra hôm 13/4 tại căn cứ quân sự Graf Ignatievo ở miền trung nước này. Thủ tướng Rossen Jeliazkov khẳng định đây là sự kiện nhằm chào mừng "quá trình hiện đại hóa không thể ngăn cản hay đảo ngược" của quân đội Bulgaria.
David Baker, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách về châu Âu và NATO, ca ngợi đây là "cột mốc quan trọng". "Khoản đầu tư của quý vị sẽ cải thiện an ninh cho Bulgaria trong hàng thập kỷ tới, cho phép đóng góp nhiều hơn nữa để đưa NATO trở thành liên minh quân sự vĩ đại nhất lịch sử", ông nhấn mạnh.
Bulgaria hồi năm 2019 và 2022 ký hai hợp đồng với Mỹ, nhằm đặt mua 16 tiêm kích F-16 Block 70 với tổng giá trị khoảng 2,7 tỷ USD. Đây là thương vụ mua vũ khí lớn nhất của nước này trong vòng hàng chục năm qua.
Không quân Bulgaria dự kiến tiếp nhận thêm 7 tiêm kích F-16 nữa trong năm 2025, số còn lại dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2026-2027.
Tiêm kích F-16 Block 70 tại lễ bàn giao ở căn cứ Graf Ignatievo hôm 13/4. Ảnh: AFP
Block 70/72 là phiên bản hiện đại nhất của dòng F-16, được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/APG-83. Nó còn mang theo hệ thống tác chiến điện tử Viper Shield, loại được thiết kế để chống lại nhiều mối đe dọa và nâng cao khả năng sống sót của phi cơ trong môi trường tác chiến nguy hiểm.
Bulgaria hiện có 10 tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 và 5 cường kích Su-25 trong biên chế, theo số liệu của chuyên trang hàng không Flight Global.
Quốc gia này từng trì hoãn hiện đại hóa không quân trong thời gian dài vì lý do chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine khiến Bulgaria và các quốc gia thành viên ở sườn đông NATO phải đánh giá lại chiến lược phòng thủ của mình.
Chi tiêu quốc phòng của Sofia hiện vượt mức 2% GDP do NATO đề ra, dù vẫn thấp hơn con số 5% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu.
Báo cáo năm 2024 của chính phủ Bulgaria cho thấy chậm trễ hiện đại hóa không quân đã khiến phi công chiến đấu của nước này không được huấn luyện đầy đủ. Lực lượng này cũng thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn cao.
Phạm Giang (Theo AFP)