Bác sĩ Issam Abu Ajwa, một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện al-Ahli Arab ở Dải Gaza, đã trải qua một trải nghiệm kinh hoàng khi bị lực lượng Israel bắt giữ ngay trong phòng mổ. Khi đang thực hiện ca phẫu thuật, ông bất ngờ bị một nhóm lính Israel xông vào, khiến ông không khỏi bàng hoàng.
“Tôi đã hỏi họ lý do họ có mặt trong phòng phẫu thuật. Một trong số họ chỉ vào tôi và hỏi: ‘Ông có phải là bác sĩ Ajwa không?’. Khi tôi xác nhận, cuộc tấn công bắt đầu”, bác sĩ Ajwa, 63 tuổi, nhớ lại với giọng đầy đau thương.
Nhóm lính đã lôi ông ra khỏi phòng mổ, còng tay, bịt mắt và lột bỏ quần áo của ông trước khi đưa ông lên xe tải quân sự cùng với các bác sĩ và y tá khác. Chỉ sau chưa đầy 24 giờ, ông đã bị đưa đến một trại giam ở Israel, nơi mà ông mô tả là “125 ngày của sự tra tấn và bạo lực không ngừng nghỉ”.
Bác sĩ Ajwa cho biết ông đã phải chịu đựng những cuộc thẩm vấn khắc nghiệt, trong đó ông bị đánh vào đầu và bị đổ nước vào tai. Ông cũng kể lại rằng lính giam đã ghì đầu ông xuống đất và dùng một cái chổi cọ toilet để chà vào miệng, khiến răng ông bị gãy.
“Tôi bị còng tay suốt 24 giờ mỗi ngày. Họ nói rằng họ muốn đảm bảo tôi không bao giờ có thể thực hiện phẫu thuật nữa, vì tôi là một bác sĩ phẫu thuật”, ông chia sẻ.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, các bác sĩ và nhân viên y tế được bảo vệ trong thời gian xung đột, có quyền tiếp tục cung cấp dịch vụ y tế cho những người cần thiết. Tuy nhiên, lực lượng Israel đã bắt giữ 297 bác sĩ và y tá, đồng thời ném bom vào nhiều bệnh viện, hành động này đã bị Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc lên án là tội ác chiến tranh.
Báo Guardian và Hiệp hội Phóng viên Điều tra Arab (ARIJ) đã thực hiện phỏng vấn với 7 bác sĩ ở Dải Gaza, trong đó có bác sĩ Ajwa, để tìm hiểu về tình trạng tra tấn, lạm dụng và bỏ đói mà họ phải chịu đựng trong các trại giam của Israel.
Ít nhất 27 bệnh viện đã bị tấn công bởi Israel trong khu vực Dải Gaza, theo thông tin từ OHCHR.
Nhiều bác sĩ đã bị bắt khi đang làm việc trong xe cứu thương, trong khi những người khác bị bắt tại các trạm kiểm soát sau khi bị xác định là bác sĩ. Luật Giam giữ Chiến binh Bất hợp pháp của Israel cho phép lực lượng này bắt bất kỳ ai mà họ cho là mối đe dọa an ninh.
Không một bác sĩ nào được lính Israel giải thích lý do bị bắt. Tất cả đều được thả mà không bị buộc tội sau nhiều tháng giam giữ.
Bác sĩ Mohammed Abu Selmia, giám đốc bệnh viện al-Shifa ở phía bắc Gaza, cũng đã trải qua một trải nghiệm tương tự. Ông bị bắt khi đang di chuyển cùng đoàn xe cứu thương chở bệnh nhân qua trạm kiểm soát, sau khi quân đội Israel yêu cầu ông rời khỏi bệnh viện vào cuối năm 2023.
“Khi tôi xưng tên, họ lập tức chĩa súng vào tôi và bắt giữ. Họ bịt mắt tôi, bắt tôi quỳ xuống và đánh tôi bằng ghế và báng súng, sau đó đổ cát lên đầu và nhét đất vào miệng”, ông Selmia nhớ lại.
Những người trong đoàn xe cứu thương sau đó bị lính Israel ép lên xe và di chuyển đến trại giam. “Chúng tôi bị nhồi nhét trong xe, không còn chỗ để thở. Mọi người la hét, ai cũng kêu gào: ‘Chúng tôi không biết đi đâu về đâu'”, bác sĩ Selmia kể lại.
Tất cả 7 bác sĩ đều trải qua một quá trình tương tự, từ việc bị nhận diện, bắt giữ cho đến giam giữ và chuyển đến nhiều nhà tù khác nhau ở Israel.
Bác sĩ Issam Abu Ajwa ở miền trung Dải Gaza trước (bên trái) và sau khi được phóng thích (bên phải). Ảnh: X/SC
Tại các cơ sở giam giữ, họ cho biết bị đối xử vô nhân đạo, thường xuyên bị đánh đập. Cai ngục mở nhạc lớn liên tục để họ không thể ngủ.
“Không có ngày nào mà chúng tôi không bị đánh đập, bị lùa chó tấn công. Thức ăn rất ít, thậm chí chúng tôi bị bỏ đói, không có xà phòng, không có nước, không có nhà vệ sinh. Tôi đã chứng kiến nhiều tù nhân chết ở đó. Mỗi ngày đều là một sự sỉ nhục. Ở đó, tôi chỉ là một con số, không phải là một con người hay giám đốc bệnh viện”, bác sĩ Selmia chia sẻ.
Họ đã trải qua nhiều tháng không được tắm rửa, không thay quần áo, nhiều người mắc các bệnh ngoài da nghiêm trọng, đến mức không thể đứng vững. Một trong số 7 bác sĩ còn chứng kiến cảnh nhân viên y tế ở Dải Gaza bị lạm dụng tình dục trong trại giam Israel.
“Thành thật mà nói, dù tôi có kể nhiều đến mấy, thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong những gì thực sự xảy ra”, ông Selmia nói.
Đến nay, đã có hai bác sĩ Gaza được ghi nhận đã chết trong thời gian bị giam giữ bởi Israel, trong đó có bác sĩ Adnan al-Bursh, trưởng khoa chỉnh hình tại bệnh viện al-Shifa. Đồng nghiệp của ông cho biết ông đã tử vong do bị tra tấn và lạm dụng tình dục nghiêm trọng.
“Israel cần ngay lập tức thả các nhân viên y tế và chấm dứt việc bắt cóc, tra tấn và ngược đãi họ. Những kẻ gây ra tội ác phải bị truy cứu theo luật pháp quốc tế”, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố.
Bác sĩ Ajwa (trái) quay trở lại phòng khám hồi tháng 2. Ảnh: SBI
Guardian đã gửi lời kể của 7 bác sĩ ở Dải Gaza cho quân đội Israel (IDF). Lực lượng này không bình luận về từng trường hợp cụ thể, nhưng đã ra tuyên bố chung, cho biết: “Trong chiến sự Gaza, những nghi phạm khủng bố bị bắt, những nghi phạm liên quan bị giam giữ và thẩm vấn. Ai được xác định không tham gia khủng bố sẽ được thả càng sớm càng tốt”.
IDF khẳng định cung cấp cho tù nhân quần áo, đệm, thức ăn, đồ uống và dịch vụ chăm sóc y tế thường xuyên. Họ cũng thừa nhận có các trường hợp tử vong trong thời gian giam giữ và đang tiến hành điều tra từng trường hợp.
Đối với gia đình của những bác sĩ bị bắt giam, việc không có thông tin về người thân là một nỗi đau dai dẳng mỗi ngày.
Cuối năm 2024, Israel đã bị chỉ trích mạnh mẽ trên trường quốc tế vì việc bắt giữ bác sĩ nhi khoa Hussam Abu Safiya, giám đốc bệnh viện Kamal Adwan ở trại tị nạn Jabaliya, do nghi ngờ ông là thành viên của Hamas. Đến giữa tháng 2, luật sư mới được phép gặp ông tại nhà tù Ofer, xác nhận ông đã bị tra tấn và đánh đập, không được điều trị.
“Chúng tôi rất lo lắng vì ông ấy bị thương. Chúng tôi rất sốc”, con trai ông, Elyas Abu Safiya, người đang vận động để trả tự do cho bố, chia sẻ.
Bác sĩ Ajwa đã được phóng thích sau 125 ngày bị giam giữ trong nhà tù Israel. Mặc dù chưa thể phục hồi những chiếc răng bị gãy do lính Israel gây ra, ông đã trở lại làm việc tại bệnh viện ở Gaza.
“Gửi đến những người muốn hủy hoại đôi tay tôi, bất kể các anh làm gì, tôi vẫn là bác sĩ và sẽ tiếp tục hành nghề. Tôi sẽ đứng trong phòng mổ cho đến hơi thở cuối cùng”, ông khẳng định.
Đức Trung (Theo Guardian, Reuters, Washington Post, Al Jazeera)