Tướng Nga: Uy lực F-16 Ukraine đã bị phóng đại

15/04/2025
Tướng Nga: Uy lực F-16 Ukraine đã bị phóng đại

Tướng không quân Nga cho rằng Ukraine đã phóng đại uy lực của F-16 và các vụ bắn rơi đã khiến hình ảnh của tiêm kích này bị tổn hại.

"Tổn thất này sẽ làm suy yếu hình ảnh của tiêm kích F-16, dù danh tiếng của nó dường như đã bị tổn hại từ trước, chỉ là chưa ở trên diện rộng", tướng không quân Vladimir Popov, phi công công huân Nga, cho biết hôm 14/4 khi đề cập vụ tiêm kích F-16 Ukraine bị bắn rơi trước đó hai ngày.

Chiến đấu cơ F-16 được đánh giá là có năng lực vượt trội so với các dòng chiến đấu cơ thời Liên Xô trong biên chế không quân Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov gọi đây là "sự bổ sung được chờ đợi từ lâu", trong khi một phi công Ukraine hồi cuối tháng 3 tuyên bố tiêm kích Nga "sợ phải chạm mặt F-16" và có xu hướng rút lui trước các cuộc không chiến tầm gần.

Thiếu tướng Nga Vladimir Popov trong bức ảnh đăng năm 2024. Ảnh: Nvgazeta

Thiếu tướng Vladimir Popov trong bức ảnh đăng hồi năm 2024. Ảnh: Gazeta

Tướng Popov cho rằng Kiev và các đồng minh phương Tây đã tìm cách phóng đại uy lực của F-16 trước khi dòng phi cơ này tham chiến tại Ukraine. "Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau, như các vụ bắn rơi không phản ánh tình hình thực tế hoặc Nga tung tin giả. Tuy nhiên, thiệt hại này đã để lại ấn tượng tiêu cực đối với tiêm kích hàng đầu của thế hệ 4 như F-16", tướng Popov nhấn mạnh.

Ông Popov cho rằng phi công Ukraine vẫn gặp khó khăn trong vận hành dòng F-16 do thiết kế buồng lái khác với những chiến đấu cơ hệ Liên Xô. "Họ có thể tìm cách thích nghi, song sẽ cần thời gian dài hơn 3-5 tháng để làm quen", tướng Nga nói, thêm rằng phi công thường mất 18-24 tháng để có thể làm chủ mẫu tiêm kích này.

Hãng tin CNN của Mỹ cho biết quá trình huấn luyện phi công F-16 thường kéo dài vài năm, song đã được rút ngắn xuống còn khoảng 6 tháng với quân nhân Ukraine để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nước này trong xung đột.

Theo tướng Popov, số lượng phi cơ F-16 mà Ukraine đã nhận là không đủ để bao quát toàn bộ tiền tuyến dài khoảng 2.000 km, cũng như bảo đảm nhiệm vụ phòng không. Ông nhận định F-16 chỉ có thể trở thành mối đe dọa thật sự với lực lượng Nga nếu "30-50 chiếc xuất hiện cùng lúc tại một mặt trận".

Tướng Nga cho rằng không quân Ukraine đang liên tục thay đổi vị trí triển khai của F-16 nhằm tránh nguy cơ hứng đòn tập kích, thêm rằng chúng được sử dụng chủ yếu cho nhiệm vụ phòng thủ ở các thành phố lớn, tạo điều kiện cho phi công Ukraine trui rèn kỹ năng vận hành.

Tiêm kích F-16 Ukraine trong ảnh chụp ngày 8/4. Ảnh: Reuters

Tiêm kích F-16 Ukraine trong lễ ra mắt ngày 4/8/2024. Ảnh: Reuters

Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ năm 2023 cam kết viện trợ tổng cộng 85 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Kiev không tiết lộ đã nhận được bao nhiêu phi cơ, song truyền thông cho biết con số này là gần 20. Hai máy bay đã bị bắn rơi và khiến hai phi công thiệt mạng, chưa rõ có chiếc nào bị phá hủy hoặc hư hại trong các đòn tập kích nhằm vào căn cứ đóng quân hay không.

Trong vụ bắn hạ ngày 12/4, quân đội Nga không nói đã sử dụng vũ khí gì, song BBC dẫn nguồn tin từ quân đội Ukraine cho biết đó có thể là tên lửa của hệ thống phòng không tầm xa S-400 hoặc đạn đối không R-37 phóng từ tiêm kích.

Giới chuyên gia phương Tây nhận định tên lửa Nga vẫn là mối đe dọa lớn với tiêm kích F-16, dù phi cơ do Mỹ sản xuất được trang bị nhiều biện pháp phòng vệ tiên tiến.

Phạm Giang (Theo TASS, CNN, BBC)

Lượt xem: 6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *