Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc trước chuyến thăm Việt Nam

14/04/2025
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc trước chuyến thăm Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài viết đăng trên báo Nhân Dân trước chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày 14-15/4.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày 14-15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường. Trước chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài viết đăng trên báo Nhân Dân, tiêu đề "Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước – Kế thừa quá khứ, viết tiếp trang mới tương lai".

"Đây là lần thứ tư tôi đặt chân lên mảnh đất tươi đẹp này từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Trung Quốc, tôi mong cùng với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam chia sẻ tình hữu nghị, cùng bàn bạc hợp tác, đưa ra tầm nhìn mới cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược trong thời đại mới", ông Tập Cận Bình viết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua

Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, cùng chung lý tưởng và niềm tin, chia sẻ lợi ích chiến lược rộng rãi. Việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung – Việt có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với lợi ích chung của hai nước, có lợi cho hòa bình ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới.

Ông Tập nhấn mạnh các thế hệ tiền bối cách mạng hai nước đã chung tay tìm tòi con đường cứu nước và phát triển, góp phần quan trọng giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa thực dân và Chủ nghĩa đế quốc của thế giới. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam có sự tin cậy chính trị sâu sắc.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, hợp tác chuỗi sản xuất và cung ứng giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng mật thiết. Trung Quốc hơn 20 năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 vượt 260 tỷ USD. Ngày càng nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam được đến với Trung Quốc.

Kết nối đường sắt và xây dựng cửa khẩu thông minh được thúc đẩy nhịp nhàng. Các dự án năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và điện rác đã bảo đảm cho việc cung ứng điện của Việt Nam. Đường sắt đô thị số 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân thành phố.

"Trung – Việt cùng nhau hợp tác, phát triển là minh chứng sinh động về ý nghĩa của đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia ở Nam bán cầu", ông Tập Cận Bình cho biết.

Giao lưu nhân văn Trung – Việt ngày càng mật thiết. Năm 2024, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch đạt hơn 3,7 triệu lượt người, Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Bản Giốc – Đức Thiên chính thức vận hành, nhiều tuyến du lịch ôtô tự lái xuyên biên giới được khai thông, giúp hoạt động "du lịch hai nước trong một ngày" trở thành hiện thực.

Phim ảnh, trò chơi điện tử Trung Quốc nhận được quan tâm rộng rãi của thanh niên Việt Nam, giúp "phong trào học tiếng Trung" ở Việt Nam ngày càng sôi động. Nhiều ca khúc Việt Nam đứng đầu tìm kiếm trên không gian mạng Trung Quốc, các món ăn Việt Nam thu hút nhiều người dân Trung Quốc thưởng thức.

Sự thay đổi của thế giới, thời đại và lịch sử đang diễn ra với phương thức chưa từng có, thế giới đang đi vào thời kỳ biến động mới. Đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, kinh tế Trung Quốc khắc phục khó khăn và phát triển, năm 2024 tăng trưởng 5%, tỷ lệ đóng góp cho sự phát triển kinh tế toàn cầu được duy trì khoảng 30%, tiếp tục là động lực quan trọng của kinh tế thế giới.

Ngành năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo và phim hoạt hình của Trung Quốc thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Trung Quốc sẽ kiên trì mở cửa mức độ cao, tạo ra càng nhiều cơ hội cho thế giới, góp sức thúc đẩy các nước cùng phát triển bằng sự phát triển chất lượng cao của nước mình.

Châu Á là động lực quan trọng của hợp tác phát triển toàn cầu, đang đứng trước thời điểm mới của chấn hưng toàn diện, trước thời cơ và thách thức chưa từng có. Trung Quốc sẽ duy trì sự kế thừa và tính ổn định của chính sách ngoại giao láng giềng, kiên trì quan niệm "Thân, Thành, Huệ, Dung" và phương châm "Thân thiện với láng giềng, làm đối tác với láng giềng", làm sâu sắc hợp tác hữu nghị với láng giềng, cùng nhau thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của châu Á.

Trung Quốc đang thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc để thực hiện công cuộc xây dựng cường quốc toàn diện và phục hưng dân tộc, Việt Nam đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, thực hiện hai "mục tiêu 100 năm" thành lập Đảng và thành lập nước. Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng.

"Chúng ta sẽ làm sâu sắc toàn diện xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung – Việt có ý nghĩa chiến lược, đóng góp tích cực cho hòa bình ổn định và phát triển phồn vinh của châu Á và thế giới", theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp các đại diện doanh nghiệp quốc tế ở Bắc Kinh hôm 28/3. Ảnh: AFP

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp các đại diện doanh nghiệp quốc tế ở Bắc Kinh hôm 28/3. Ảnh: AFP

Trung Quốc sẵn sàng đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước với Việt Nam, cùng tìm tòi và làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai nước.

Ông Tập nhấn mạnh cần kiên trì hợp tác cùng thắng, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Cần làm sâu sắc kết nối chiến lược phát triển, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối giữa Sáng kiến "Vành đai và Con đường" với Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" giữa hai nước, tạo ra càng nhiều diễn đàn hợp tác về kinh tế và kỹ thuật.

Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy hợp tác dự án ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn phía bắc Việt Nam, xây dựng cửa khẩu thông minh. Trung Quốc hoan nghênh hàng hóa chất lượng cao Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư. Hai bên cần tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh.

Ông Tập kêu gọi tăng cường giao lưu nhân văn, thắt chặt kết nối lòng dân. Trung Quốc hoan nghênh người dân Việt Nam thường xuyên thăm các địa phương Trung Quốc, khuyến khích du khách Trung Quốc "check in" những danh lam thắng cảnh Việt Nam. Cùng nhau tổ chức các hoạt động giao lưu để tình hữu nghị Trung – Việt được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hợp tác đa phương chặt chẽ, thúc đẩy chấn hưng châu Á phồn vinh. Cần kiên định bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế với luật pháp quốc tế làm nền tảng, thúc đẩy đa cực hóa thế giới bình đẳng và có trật tự, toàn cầu hóa kinh tế toàn diện và bao trùm, cùng với các nước Nam bán cầu bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển.

"Chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan không có bên thắng, chủ nghĩa bảo hộ không có lối thoát. Cần kiên định bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, giữ gìn bền vững sự ổn định của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ gìn bền vững môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác. Cần tăng cường phối hợp trong các cơ chế như Hợp tác Đông Á, Hợp tác Lan Thương – Mekong… để tạo thêm sự ổn định và năng lượng tích cực cho thế giới đầy biến động hiện nay", ông Tập nhấn mạnh.

Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định cần kiểm soát thỏa đáng bất đồng, giữ gìn hòa bình ổn định khu vực. Những thực tiễn thành công của phân giới cắm mốc đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước Trung – Việt đã chứng tỏ hai bên hoàn toàn có năng lực và trí tuệ giải quyết tốt vấn đề trên biển qua đàm phán hiệp thương.

Hai bên cần thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, phát huy tốt vai trò cơ chế đàm phán trên biển, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tiếp tục mở rộng hợp tác trên biển, để tích lũy điều kiện thuận lợi cho giải quyết dứt điểm tranh chấp.

Ông Tập nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả "Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Nam Hải (Biển Đông)" (DOC), tích cực thúc đẩy đàm phán về "Bộ quy tắc ứng xử ở Nam Hải (Biển Đông)" (COC), loại bỏ can thiệp, tạo sự đồng thuận và hóa giải bất đồng, đưa biển "Nam Hải" (Biển Đông) trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

"Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam kế thừa quá khứ, hướng tới tương lai, chung tay viết nên trang mới xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung – Việt, có những đóng góp mới và to lớn hơn nữa để thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại", ông Tập Cận Bình kết thúc bài viết.

Như Tâm (Theo Nhân Dân)

Lượt xem: 13

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *