Lá bài khoáng sản trong các cuộc đàm phán của ông Trump

10/04/2025
Lá bài khoáng sản trong các cuộc đàm phán của ông Trump

Khi ông Trump theo đuổi tham vọng khoáng sản, không ít nước đã đề xuất về các thỏa thuận khai thác tài nguyên như điều kiện để chiều lòng Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliia Svyrydenko cho biết Ukraine tuần này sẽ cử nhóm công tác tới Mỹ để đàm phán về dự thảo thỏa thuận khoáng sản mới, cho phép Mỹ tiếp cận nguồn tài nguyên có giá trị của Ukraine.

Massad Boulos, cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump về châu Phi, tuần trước cho biết Washington đang đàm phán với Cộng hòa Congo thỏa thuận về khai thác tài nguyên khoáng sản.

"Bạn chắc hẳn đã nghe về thỏa thuận khoáng sản. Chúng tôi đang xem xét đề xuất của Congo. Nhưng tôi có thể thông báo rằng Tổng thống và tôi đã nhất trí về việc thúc đẩy nó", ông Boulos nói.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đang thúc đẩy tiếp cận quyền khai thác khoáng sản trên toàn cầu, hy vọng có thể vượt qua Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp và quốc phòng.

Ông thúc giục Bộ Ngoại giao thực hiện các thỏa thuận khoáng sản, cũng như chỉ thị Lầu Năm Góc lên kế hoạch bảo vệ những mỏ do Mỹ vận hành ở khu vực nguy hiểm, theo nguồn tin am hiểu vấn đề.

Nhóm quan chức Nhà Trắng cấp cao, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz, đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận khoáng sản trên toàn cầu. Massad Boulos, bố chồng của Tiffany Trump, cũng đang xúc tiến tham vọng này của chính quyền ông Trump.

Doanh nhân Massad Boulos tại Dearborn, Michigan ngày 1/11/2024. Ảnh: AP

Doanh nhân Massad Boulos tại Dearborn, Michigan ngày 1/11/2024. Ảnh: AP

"Chúng tôi ưu tiên khoáng sản quan trọng trong chính sách đối ngoại không chỉ nhằm giúp phát triển nền kinh tế mà còn giúp Mỹ không còn phụ thuộc vào các đối thủ cạnh tranh toàn cầu như Trung Quốc", Brian Hughes, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

Tham vọng khoáng sản của ông Trump cũng phản ánh một khía cạnh trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới, theo đó Tổng thống Mỹ không muốn cho đi mà không nhận lại điều gì, theo cựu quan chức trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã cố thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác và chế biến đồng, niken, lithium và coban của Mỹ. Khi ông ngần ngại về việc duy trì hiện diện quân sự ở Syria, các trợ lý và đồng minh đã thuyết phục rằng điều đó có thể giúp Mỹ tiếp cận nguồn dầu mỏ tại quốc gia Trung Đông này.

Trước khi ông Trump tái đắc cử, tại một cuộc họp ở thành phố New York hồi tháng 9/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề cập tới nguồn khoáng sản của nước này như lý do để Mỹ duy trì sự ủng hộ, theo một người tham gia cuộc họp.

Người này cho biết ông Zelensky đã nói về nguồn lithium và uranium của Ukraine, cảnh báo rằng nếu Mỹ rút lui, nguồn khoáng sản này sẽ thuộc về Nga. Ông Trump nói với một đồng minh rằng muốn tiếp cận ít nhất một nửa lượng khoáng sản của Ukraine.

Sau khi đắc cử, ông Trump nhiều lần nói sẵn sàng trao đổi viện trợ của Mỹ với nguồn đất hiếm của Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và Ukraine đã thất bại trong việc ký kết thỏa thuận khoáng sản đầu tiên sau cuộc đấu khẩu tại Nhà Trắng hồi cuối tháng 2.

Theo phiên bản đầu tiên, thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ hưởng lợi từ khai thác tài nguyên của Ukraine, song không đi kèm các đảm bảo an ninh rõ ràng mà Kiev tìm kiếm. Chính phủ Ukraine được yêu cầu đóng góp 50% số tiền thu được vào quỹ đầu tư tái thiết đất nước do Washington và Kiev cùng quản lý.

Dự thảo khoáng sản mới mở rộng hơn phiên bản đầu. Một kế hoạch trình bày tháng trước dự kiến cho phép Mỹ thu lợi từ các dự án về kim loại, dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác của Ukraine, cũng như dự án về cơ sở hạ tầng gồm cảng và đường ống.

Mỏ khai thác khoáng sản lộ thiên ở Kirovohrad, Ukraine hồi tháng 2. Ảnh: AP

Mỏ khai thác khoáng sản lộ thiên ở Kirovohrad, Ukraine hồi tháng 2. Ảnh: AP

Tại Congo, đặc phái viên của Tổng thống Felix Tshisekedi đã mời các quan chức chính quyền Trump tới thăm quốc gia này. Một nhóm tiền trạm của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tới thăm các mỏ ở Congo tuần trước, theo nguồn tin am hiểu vấn đề. Các công ty khai thác mỏ của Mỹ gồm cả KoBold, được hỗ trợ bởi tỷ phú Jeff Bezos và Bill Gates, cũng bày tỏ quan tâm tới thỏa thuận.

Tshisekedi muốn Mỹ giúp chống lại nhóm nổi dậy M23 do Rwanda hậu thuẫn ở miền đông Congo. Chính quyền ông Trump đã áp lệnh trừng phạt đối với quan chức cấp cao Rwandan và thành viên hàng đầu của M23, nhưng Congo muốn nhiều hơn.

Ông Boulos hồi tháng 3 gặp riêng các đại diện từ Rwanda và Congo ở Washington, hy vọng đàm phán về chấm dứt xung đột. Chính quyền Mỹ lo lắng các công ty sẽ ngần ngại đầu tư vào Congo nếu giao tranh tiếp diễn. Cố vấn Boulos cũng đã tới thăm Congo, Rwanda và các nước khác trong khu vực tuần trước để thúc đẩy hòa bình và theo đuổi các cơ hội đầu tư của Mỹ, theo Bộ Ngoại giao.

Nguồn khoáng sản dồi dào ở Greenland cũng là một trong những lý do ông Trump công khai bày tỏ mong muốn kiểm soát hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch này, kể cả bằng vũ lực.

Đan Mạch và Greenland thời gian qua đã tìm cách đẩy lùi tham vọng kiểm soát hòn đảo của chính quyền ông Trump. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân Greenland không muốn trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ.

Quan chức Đan Mạch đã nói với các đối tác Mỹ rằng họ có thể mở cửa cho Washington thiết lập căn cứ quân sự trên hòn đảo, cũng như đàm phán các hợp đồng khai thác khoáng sản với công ty Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như cho thấy điều duy nhất ông muốn là sở hữu hòn đảo. Greenland, hòn đảo có diện tích 2,16 triệu km2, nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Mỹ tới châu Âu, khiến nó trở thành địa điểm chiến lược quan trọng với Washington.

"Chúng ta phải có Greenland", ông Trump tuyên bố.

Thùy Lâm (Theo WSJ, AP)

Lượt xem: 14

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *