Anh – EU tái khởi động quan hệ hậu Brexit

20/05/2025
Anh - EU tái khởi động quan hệ hậu Brexit

Anh và EU ký loạt thỏa thuận quốc phòng, an ninh và xuất khẩu thực phẩm, đánh dấu bước "khởi động lại" quan hệ hợp tác vốn bị rạn nứt sau Brexit.

Lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/5 công bố loạt thỏa thuận về quốc phòng, an ninh và thương mại thực phẩm trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại London. Thủ tướng Anh Keir Starmer mô tả các thỏa thuận là "hai bên cùng thắng", trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói các bên đang "bước sang một trang mới" trong lịch sử quan hệ.

Hội nghị là kết quả của nỗ lực được Thủ tướng Anh Keir Starmer thúc đẩy nhằm khôi phục quan hệ với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Đây cũng là cuộc họp lớn đầu tiên giữa hai bên diễn ra trên đất Anh, kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 dẫn đến Anh rời khỏi EU, còn được gọi là sự kiện Brexit.

"Xuất khẩu của Anh vào EU giảm 21% và nhập khẩu giảm 7% trong những năm hậu Brexit. Giờ đây, Anh sẽ có thể bán nhiều sản phẩm sang EU trở lại, trong đó có thịt bò băm và xúc xích, giúp những ngành nghề quan trọng này tiếp tục phát triển", ông Starmer cho biết.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận sẽ mang về khoảng 12 tỷ USD cho nền kinh tế Anh đến năm 2040.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rời cuộc họp báo chung ở London ngày 19/5. Ảnh: AP

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rời cuộc họp báo chung ở London ngày 19/5. Ảnh: AP

Thỏa thuận đánh bắt cá kéo dài 12 năm sẽ cho phép tàu cá châu Âu tiếp tục hoạt động trong vùng biển Anh. Đổi lại, EU sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho nông dân và ngư dân Anh khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Hai bên cũng đồng ý về một hiệp ước an ninh – quốc phòng cho phép Anh tiếp cận quỹ quốc phòng trị giá 141 tỷ USD của EU, đồng thời có nghĩa vụ đóng góp tài chính tương ứng.

Các thỏa thuận không đảo ngược Brexit, nhưng London hy vọng sẽ giúp phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế. Dù vậy, London và Brussels vẫn đặt ra những lằn ranh đỏ trong quan hệ mới. Thủ tướng Starmer khẳng định Anh sẽ không quay lại thị trường chung và liên minh hải quan EU, còn EU cũng thận trọng trước việc cấp đặc quyền cho Anh mà không có nghĩa vụ tài chính tương ứng.

Đàm phán còn kéo dài đến phút chót vì các vướng mắc về quyền đánh bắt hải sản, cũng như ý tưởng tự do đi lại, sống và làm việc giữa hai bên cho người trẻ. Chính phủ Anh lo ngại chương trình này có thể gia tăng dòng người nhập cư, trong khi Thủ tướng Starmer vừa nêu cam kết giảm nhập cư vào tuần trước. Kế hoạch này sau đó được đổi tên thành "chương trình trải nghiệm thanh niên" và các bên chỉ hứa hẹn tiếp tục hợp tác.

Một số chính trị gia đối lập Anh đã lên tiếng chỉ trích London thỏa hiệp với Brussels. Lãnh đạo đảng Cải cách Anh Nigel Farage, người ủng hộ Brexit mạnh mẽ, tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận nếu lên nắm quyền, cho rằng điều khoản đánh bắt cá "khai tử ngành thủy sản" Anh. Một số hiệp hội ngành nghề như Liên đoàn ngư dân Scotland gọi thỏa thuận là một thảm họa.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Bảo thủ Kemi Badenoch cảnh báo Anh đang quay lại với tình cảnh "chơi theo luật của Brussels" và lo ngại chương trình "trải nghiệm thanh niên" có thể dẫn đến sự trở lại của chính sách biên giới mở với EU.

Thanh Danh (Theo Washington Post, Reuters, CNN)

Lượt xem: 6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *