Trong thánh lễ nhậm chức tại Vatican ngày 18/5, Giáo hoàng Leo XIV sẽ được trao hai phẩm phục biểu tượng, chính thức bắt đầu triều đại mới.
Hàng chục nghìn người dự kiến tập trung tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican vào ngày 18/5 để tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ của Giáo hoàng Leo XIV. Sự kiện sẽ bắt đầu lúc 10h (15h giờ Hà Nội).
Ông sẽ đến Vương cung Thánh đường Thánh Peter bằng chuyên xa Popemobile dành riêng cho Giáo hoàng, và vẫy tay chào đám đông, sau đó tiến vào trong cùng các Hồng y.
Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ngày 8/5. Ảnh: Vatican News
Thánh lễ bắt đầu bằng việc Giáo hoàng cùng các Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương đi xuống nhà nguyện mộ Thánh Peter để cầu nguyện và xông hương. Giây phút này nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết giữa Giám mục Roma và Thánh Peter, người được coi là Giáo hoàng đầu tiên.
Tân Giáo hoàng và đoàn rước sau đó tiến ra bàn thờ chính ở Quảng trường Thánh Peter, với nghi thức làm phép và rảy nước thánh. Trong nghi thức Phụng vụ Lời Chúa sau đó, một đoạn Kinh Thánh sẽ được đọc, thuật lại việc Chúa Jesus ba lần hỏi Thánh Peter: "Con có yêu Thầy không?", và giao phó sứ mệnh "chăn dắt đoàn chiên", tức dẫn dắt tín hữu.
Giáo hoàng Benedict XVI di chuyển bằng xe popemobile và vẫy chào đám đông sau lễ nhậm chức ở Quảng trường Thánh Peter ngày 24/4/2005. Ảnh: Reuters
Nghi thức quan trọng hàng đầu của thánh lễ là Giáo hoàng được trao hai phẩm phục tượng trưng cho quyền lực của người đứng đầu Vatican, khi ông ngồi tại lễ đài trên bậc thềm Vương cung Thánh đường Thánh Peter.
Ba Hồng y thuộc ba đẳng (phó tế, linh mục, giám mục) đại diện ba châu lục tiến đến gần Giáo hoàng. Vị thứ nhất trao Dây Pallium, vị thứ hai đọc lời nguyện cầu xin sự hiện diện và trợ giúp của Chúa với Giáo hoàng. Vị thứ ba trao chiếc Nhẫn Ngư phủ.
Dây Pallium là phẩm phục được làm từ lông cừu tượng trưng cho vai trò của Giáo hoàng là người chăn chiên. Dải len được quàng trên vai, phía ngoài áo lễ, có hai đầu đen buông phía trước và sau, bên trên thêu 6 thánh giá và được trang trí bằng ba cây kim, biểu tượng ba chiếc đinh Thánh giá Chúa Jesus.
Giáo hoàng Francis đeo Dây Pallium tại lễ nhậm chức năm 2013. Ảnh: Reuters
Nhẫn Ngư phủ được đặt tên theo Thánh Peter, vốn là một ngư dân. Nhẫn thường làm bằng vàng nguyên chất, đúc riêng cho mỗi Giáo hoàng, thường có hình ảnh Thánh Peter thả lưới. Tuy nhiên, cố Giáo hoàng Francis từng đi ngược truyền thống, không đặt nhẫn mới mà yêu cầu tái chế nhẫn bạc mạ vàng của thư ký Giáo hoàng Paul IV làm Nhẫn Ngư phủ. Chiếc nhẫn của ông có hình Thánh Peter cầm chìa khóa Nước Trời.
Theo Kinh Thánh, khi Chúa Jesus đến gặp Simon (tên khai sinh của Thánh Peter), ông Simon đang kéo lưới về sau một đêm đánh cá nhưng không bắt được gì cả. Chúa Jesus bảo ông thả lưới xuống nước một lần nữa ở vùng nước sâu. Mặc dù ban đầu nghi ngờ, ông vẫn nghe theo. Kết quả là mẻ cá bắt được rất lớn, đến mức làm đầy hai chiếc thuyền, khiến thuyền gần như bị chìm. Mẻ cá kỳ lạ được hiểu là dấu hiệu Chúa chọn Thánh Peter làm người dẫn dắt đoàn chiên.
Giáo hoàng Francis được trao Nhẫn Ngư phủ trong lễ nhậm chức ngày 19/3/2013. Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Leo XIV sẽ có bài thuyết giảng trước công chúng, nêu ra một số chủ đề về triều đại Giáo hoàng của ông.
Trong lễ nhậm chức năm 2013, cố Giáo hoàng Francis đã nói về sự cần thiết của việc đối xử với nhau bằng tình yêu thương và sự dịu dàng, không để "lòng thù hận, đố kị và kiêu hãnh làm vấy bẩn cuộc sống của chúng ta". Ông cũng cam kết "mở rộng vòng tay để bảo vệ tất cả con dân của Chúa và che chở toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người nghèo khổ, yếu đuối và ít được để ý nhất".
Tân Giáo hoàng Leo XIV nhiều khả năng sẽ tập trung vào thông điệp hòa bình, bởi triều đại của ông bắt đầu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, Trung Đông đang diễn ra khốc liệt.
Gần cuối thánh lễ, nghi lễ Phụng vụ Thánh thể sẽ diễn ra. Đây là nghi thức trọng tâm của mọi Thánh lễ Công giáo La Mã nhằm tưởng nhớ bữa Tiệc Ly, nơi Chúa Jesus bẻ bánh và chia sẻ ly rượu với các tông đồ. Theo quan niệm Công giáo, bánh và rượu được truyền phép để chúng trở thành máu và mình Chúa Jesus. Đây là nghi lễ tưởng niệm sự hy sinh và cứu chuộc của Chúa Jesus, đồng thời thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.
Lễ nhậm chức kéo dài khoảng ba giờ, sau đó Giáo hoàng dự kiến gặp nhiều lãnh đạo thế giới. Vatican thông báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ dự sự kiện. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Marco Rubio.
Tổng thống Israel, Peru và Nigeria, các Thủ tướng Italy, Canada, Australia, Đức và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Layen cũng sẽ có mặt, cùng nhiều thành viên hoàng gia châu Âu như Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha. Hoàng tử Edward, con út của cố Nữ hoàng Elizabeth II, sẽ đại diện Vua Anh Charles III.
Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này tham dự.
Huyền Lê (Theo Vatican News, Sky News, AFP)