Vai trò của nữ bếp trưởng trong ngành ẩm thực Singapore

18/03/2025
Vai trò của nữ bếp trưởng trong ngành ẩm thực Singapore

Trong nhiều năm qua, phụ nữ thường bị gán cho câu nói “hãy trở lại nhà bếp”. Tuy nhiên, khi họ thực sự trở về với căn bếp, không phải lúc nào họ cũng được chào đón. Điều này đặc biệt đúng trong ngành ẩm thực, nơi mà sự phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại.

Ashley So, 30 tuổi, hiện là bếp trưởng tại một nhà hàng Italy nổi tiếng ở Singapore, chia sẻ rằng khi cô bắt đầu sự nghiệp bếp núc cách đây 10 năm, cô đã phải đối mặt với nhiều định kiến từ các đồng nghiệp nam. Họ cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà chăm sóc gia đình thay vì theo đuổi sự nghiệp bếp núc chuyên nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở đó, Ashley còn cho biết rằng các đầu bếp nam thường tìm cách thử thách cô và các đồng nghiệp nữ bằng những yêu cầu khắt khe, như bắt họ bê vác những vật nặng hoặc cố tình làm hỏng nguyên liệu mà họ đã chuẩn bị. Những hành động này không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra một môi trường làm việc không thân thiện.

Cũng trong ngành ẩm thực, Ashley Keshaa, 26 tuổi, bếp phó tại nhà hàng và quầy bar Ce La Vi ở Marina Bay Sands, đã trải qua những khó khăn tương tự khi bắt đầu sự nghiệp vào năm 2023. Cô cảm thấy mình không được coi trọng như các đồng nghiệp nam và thường xuyên bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận quan trọng.

“Phụ nữ trong bếp thường chỉ được nhìn nhận qua hai lăng kính: hoặc là một cô gái xinh đẹp mà mọi người muốn tiếp cận, hoặc là một người vụng về mà họ muốn tránh xa”, Keshaa chia sẻ. Tuy nhiên, cả So và Keshaa đã vượt qua những rào cản này và tìm được vị trí của mình trong ngành ẩm thực. Họ cũng nhận thấy rằng văn hóa trong bếp đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở một quốc gia phát triển như Singapore.

Keshaa trong gian bếp của Ce La Vi. Ảnh: Lim Yaohui

Keshaa trong gian bếp của Ce La Vi. Ảnh: Lim Yaohui

Tuy nhiên, sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo trong ngành ẩm thực Singapore vẫn còn hạn chế. Trong số 47 nhà hàng đạt sao Michelin tại quốc gia này, chỉ có một nhà hàng do phụ nữ đồng điều hành. Điều này phản ánh một xu hướng toàn cầu, khi số lượng đầu bếp nữ tại Anh và Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% tổng số đầu bếp, và chưa đến 10% nhà hàng đạt sao Michelin do phụ nữ điều hành.

Dù vậy, nhiều nữ đầu bếp được phỏng vấn không coi đây là một rào cản không thể vượt qua. Họ tin rằng thành công trong ngành bếp không phụ thuộc vào giới tính. “Ban đầu, phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc được công nhận, nhưng khi vượt qua các rào cản, kỹ năng của bạn sẽ được mọi người công nhận”, Fernanda Guerrero, 37 tuổi, đồng điều hành nhà hàng Chile Araya, cho biết. Cô cũng là nữ đầu bếp duy nhất tại Singapore lãnh đạo một nhà hàng đạt sao Michelin.

Fernanda cũng đã phải đối mặt với những hành vi phân biệt nhỏ nhặt, như việc các đối tác nước ngoài chỉ mời vị hôn phu của cô tham gia các sự kiện nấu ăn, mặc dù cả hai cùng điều hành nhà hàng. Cô đã học cách không để những điều này ảnh hưởng đến mình và tập trung vào việc nâng cao kỹ năng lãnh đạo tại Araya. “Những chuyện như thế không ảnh hưởng đến tôi hàng ngày nhưng chúng nhắc nhở rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”, cô nói.

Cheryl Yap, 34 tuổi, bếp phó làm bánh tại nhà hàng Hàn Quốc Nae:um đạt một sao Michelin, cũng có quan điểm tương tự. Cô cho rằng chỉ cần tập trung và nỗ lực hết mình, mọi người sẽ tôn trọng bạn mà không quan tâm đến giới tính. Phụ nữ không nhất thiết phải bị gò bó trong những vị trí nhất định như làm bánh.

Công nghệ cũng đã giúp mở rộng cơ hội cho phụ nữ trong ngành ẩm thực. Maira Yeo, 33 tuổi, bếp trưởng làm bánh tại nhà hàng châu Âu hiện đại EHB ở Thượng Hải, cho biết các thiết bị tự động và dụng cụ nhẹ hơn đã giảm bớt yêu cầu về thể lực trong công việc. Cô cũng nhận thấy rằng những hành vi quấy rối tình dục và xúc phạm đã giảm đáng kể nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, nơi mà mọi hành động đều có thể bị công khai.

Bếp trưởng Fernanda Guerrero của nhà hàng một sao Michelin Araya. Ảnh: Taryn Ng

Bếp trưởng Fernanda Guerrero của nhà hàng một sao Michelin Araya. Ảnh: Taryn Ng

Debbie Yong, 40 tuổi, cựu nhà báo và chuyên gia xây dựng thương hiệu, đã theo dõi ngành ẩm thực gần 15 năm và cho rằng sự thay đổi trong hình ảnh của các đầu bếp đã góp phần cải thiện môi trường làm việc. Ngày nay, đầu bếp không còn là những người nóng tính và nghiện rượu, mà họ tự hào về vai trò của mình như những người chồng, người cha. Nhiều người đã chuyển sang nghề bếp từ các ngành khác, mang theo tư duy quản lý chuyên nghiệp.

Tình trạng thiếu lao động toàn cầu cũng đã tạo ra một áp lực nhất định. Ngày nay, nếu ai đó bị la hét, họ có thể dễ dàng bỏ việc và chuyển sang một công việc văn phòng khác.

Dù những thay đổi văn hóa đã giúp cải thiện môi trường làm việc, vẫn còn một rào cản lớn chưa thể giải quyết: trách nhiệm gia đình. Hầu hết các nữ đầu bếp hàng đầu tại Singapore đều phải tập trung toàn bộ thời gian và năng lượng vào công việc, và rất ít người có thể vừa làm bếp trưởng vừa nuôi con.

Đầu bếp Asokan của Quenino cho biết cô không có kế hoạch sinh con vì “không thể chia bản thân ra được”. Cô cho rằng nếu làm việc trong một quán cà phê hay nhà hàng bình thường, việc sinh con vẫn khả thi, nhưng một nhà hàng fine-dining lại yêu cầu quá nhiều thời gian và công sức.

Theo báo cáo năm 2023 của tạp chí khoa học thực phẩm International Journal Of Gastronomy And Food Science, việc mang thai là lý do chính dẫn đến phân biệt giới tính đối với các nữ đầu bếp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Singapore, phân biệt đối xử liên quan đến thai sản chiếm khoảng 78% tổng số vụ phân biệt nơi làm việc được tổ chức phi lợi nhuận về bình đẳng giới Aware xử lý trong nửa đầu năm 2024.

Nhiều nhà hàng đã bắt đầu áp dụng các chính sách hỗ trợ cho nhân viên nữ. Bếp trưởng Ivan Brehm của nhà hàng đạt sao Michelin Nouri đã đồng ý cung cấp bốn tháng nghỉ thai sản có lương với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp để đảm bảo công việc vẫn vận hành trơn tru.

“Sự thật là cha mẹ có con nhỏ phải về sớm hơn và điều đó đòi hỏi những người khác hỗ trợ thêm, nhưng điều này không gây gián đoạn tiêu cực, chúng tôi chỉ đơn giản điều chỉnh hệ thống”, ông nói, nhấn mạnh rằng cần có một cộng đồng để hỗ trợ nhau.

Brehm không phải là người duy nhất cố gắng làm cho môi trường nhà bếp trở nên thân thiện hơn với các đầu bếp nữ có con nhỏ. Tập đoàn Les Amis cung cấp 16 tuần nghỉ thai sản có lương và 6 ngày nghỉ chăm sóc con có lương cho cha mẹ có con là công dân Singapore. Đối với những người có con mang quốc tịch nước ngoài, họ được hưởng một nửa số ngày nghỉ trên, kèm theo tùy chọn nghỉ không lương bổ sung. Nhân viên cũng có thể chuyển sang làm việc bán thời gian nếu muốn giảm bớt số giờ làm.

Nhờ những chính sách hỗ trợ này, một số đầu bếp nữ như Merilyn Teo đã có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Teo, 36 tuổi, giữ vị trí bếp phó làm bánh tại nhà hàng AT Feast ở Dempsey và là mẹ của một bé một tuổi. Cô cho biết: “Sếp sắp xếp giờ làm linh hoạt để tôi có thể đón con từ nhà trẻ và công ty cũng sẵn sàng cho nghỉ đột xuất nếu con bị ốm”. Một lợi thế khác của công việc này là cô không cần mang việc về nhà.

Theo Brehm, không phải nhà hàng nào cũng sẵn sàng cung cấp các chính sách tương tự và nhiều đầu bếp nữ vẫn coi việc sinh con là dấu chấm hết cho sự nghiệp. Trong môi trường mà mọi người đều được kỳ vọng phải làm việc với cường độ cao, rất ít nhà hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của một người mẹ mới sinh, đặc biệt là khi cô ấy không muốn ngay lập tức quay lại vị trí cũ.

Dù những chính sách hỗ trợ như Brehm thực hiện là bước đi đúng hướng, con đường để đạt được sự công bằng thực sự cho các nữ đầu bếp vẫn còn dài và đầy thách thức.

Hoài Anh (Theo The Straits Times)

Lượt xem: 27

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *