4 quốc gia Bắc Âu hợp lực lột xác an ninh

19/05/2025
4 quốc gia Bắc Âu hợp lực lột xác an ninh

Trong thời gian dài, các nước Bắc Âu nổi tiếng với nỗ lực duy trì tính trung lập và đảm bảo hòa bình hơn là quân sự hóa, nhưng điều này đang thay đổi.

Giờ đây, họ đã rũ bỏ hình ảnh đó và đang nổi lên như một hình mẫu cho quốc phòng châu Âu. 4 quốc gia Bắc Âu lớn, gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, nằm trong số những nước châu Âu tài trợ nhiều nhất cho Ukraine tính theo dân số và đã có những bước đi quyết đoán nhằm mở ra một cấu trúc an ninh khu vực mới ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Thụy Điển tự hào có ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến sản xuất tàu ngầm, xe tăng chiến đấu và tiêm kích siêu thanh. Na Uy sở hữu khả năng giám sát hàng hải và chiến đấu ở vùng Bắc Cực. Phần Lan có một trong những lực lượng pháo binh và quân đội thường trực lớn nhất tính theo đầu người ở châu Âu. Lực lượng đặc nhiệm Đan Mạch đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm chiến đấu ở những khu vực nguy hiểm nhất tại Afghanistan và Iraq.

"Họ có một nhóm với tiềm năng kinh tế và tài nguyên đáng gờm để phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng tích hợp hoàn toàn giống như Đức, nhưng có nhận thức về mối đe dọa và ý chí chính trị hoàn toàn khác", Eric Ciaramella, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về Nga và Á – Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận xét.

Binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Phần Lan tham gia một cuộc tập trận chung ở Na Uy hồi tháng 3/2022. Ảnh: AFP

Binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Phần Lan tham gia một cuộc tập trận chung ở Na Uy hồi tháng 3/2022. Ảnh: AFP

Các quốc gia Bắc Âu có nhiều mối liên kết về văn hóa, lịch sử. Vào thời Trung Cổ, người Viking Scandinavia đã xâm chiếm khắp châu Âu, thậm chí đặt chân đến Bắc Mỹ. Trong nhiều thế kỷ sau đó, các nước Bắc Âu đối đầu lẫn nhau, với việc hai cường quốc khu vực là Đan Mạch và Thụy Điển tranh giành lãnh thổ, thanh trừng giới quý tộc của nhau. Sau này, trong một cử chỉ hòa giải hơn, Thụy Điển đã để giải Nobel Hòa bình được trao ở Na Uy, ngay cả sau khi hai nước giải thể liên minh vào năm 1905.

Hiện tại, sau hơn ba năm chứng kiến chiến sự ở Ukraine, những lo ngại về Nga đã kéo họ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.

"Các nước Bắc Âu lần đầu tiên có một chính sách an ninh thống nhất kể từ Liên minh Kalmar (giữa 3 vương quốc Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển) vào những năm 1400", cựu tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người từng là thủ tướng Na Uy, cho hay. "Họ đã nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quân sự theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thế kỷ".

Xe bọc thép của quân đội Thụy Điển tham gia tập trận gần Boden, miền bắc đất nước. Ảnh: AFP

Xe bọc thép của quân đội Thụy Điển tập trận gần Boden, miền bắc đất nước. Ảnh: AFP

Các nước Bắc Âu đã hợp nhất lực lượng không quân của mình khi thành lập Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Âu chung vào năm 2023. Năm ngoái, họ đề ra tầm nhìn về phòng thủ chung đến năm 2030 trong khuôn khổ tổ chức Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu.

Theo giới quan sát, những động thái trên là cách các nước Bắc Âu bù đắp cho nhiều thập kỷ giải trừ quân bị sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhu cầu tái vũ trang càng tăng lên khi niềm tin của châu Âu vào Mỹ với tư cách một đồng minh đáng tin cậy đang lu mờ dần dưới thời Tổng thống Trump.

Không nơi nào hiểu sâu sắc nhận thức này hơn Đan Mạch, nơi đang xảy ra tranh cãi nghiêm trọng với Tổng thống Trump sau khi ông nhiều lần tuyên bố sẽ sáp nhập Greenland, vùng lãnh thổ thuộc nước này, vào Mỹ.

Hiện tại, việc bảo vệ hòn đảo vùng Bắc Cực của Đan Mạch phần lớn dựa vào 7 chiếc tàu lỗi thời không trang bị vũ khí hay cảm biến và khoảng hơn 10 lính tinh nhuệ sử dụng xe trượt tuyết.

Peter Viggo Jakobsen, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, nhận định quyết định của Copenhagen hồi tháng hai về việc tăng chi tiêu quân sự lên 70% trong hai năm tới là "biểu hiện lo lắng".

"Đan Mạch đang phải chạy đua với thời gian vì chúng tôi đã mất niềm tin vào Mỹ. Lý do chúng tôi lao vào hợp tác với các nước Bắc Âu khác mạnh mẽ như vậy là vì chúng tôi không thể tự bảo vệ mình. Nếu NATO không thể làm được thì các nước Bắc Âu là một giải pháp thay thế", Jakobsen nói.

Vị trí các nước Bắc Âu. Đồ họa: SWP

Vị trí các nước Bắc Âu. Đồ họa: SWP

Mặc dù lời kêu gọi hợp tác tăng cường sức mạnh quân sự có thể trái ngược với hình ảnh toàn cầu của các nước Bắc Âu, thực tế, điều này đã diễn ra từ lâu.

Phần Lan có một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất châu Âu tính theo đầu người. Họ có thể huy động 280.000 quân trong vài tuần, và gần 1/6 dân số Phần Lan, tức khoảng 900.000 người, là quân dự bị. Những hầm trú ẩn ngầm trên khắp đất nước có thể chứa gần hết số dân còn lại. Phần Lan hiện còn cân nhắc rút khỏi Công ước Ottawa về cấm mìn chống bộ binh.

Thụy Điển đã nỗ lực đổi mới quân sự. Tiêm kích JAS 39 Gripen, được thiết kế để hoạt động trên đường băng ngắn, đã tham gia nhiệm vụ giám sát của NATO lần đầu tiên hồi tháng 3. Stridsvagn 122 của Thụy Điển là một trong những xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất thế giới và CV90 được nhận xét là một trong những xe chiến đấu bộ binh tốt nhất.

Phần Lan và Thụy Điển đều có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Ở Thụy Điển, nghĩa vụ quân sự không phân biệt giới tính và có tính chọn lọc cao, khiến họ huy động được một lực lượng tương đối tinh nhuệ. Trong lúc các nước châu Âu khác phải vật lộn tăng quân số, lực lượng vũ trang Thụy Điển lại từ chối hàng nghìn thanh niên mỗi năm vì đánh giá họ không đủ tiêu chuẩn.

Na Uy, quốc gia từ lâu bị chỉ trích vì chi tiêu quân sự quá ít mặc dù sở hữu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, gần đây tuyên bố tăng gấp đôi hỗ trợ cho Ukraine, lên hơn 8 tỷ USD trong năm 2025.

"Cần thừa nhận rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine, nhưng chúng ta cũng cần chia sẻ gánh nặng một cách công bằng hơn giữa các nước NATO", ông Stoltenberg nhận xét.

Đan Mạch đã trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất kêu gọi tái vũ trang châu Âu. Thủ tướng Mette Frederiksen hồi tháng ba nói rằng bà sẽ không loại trừ khả năng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên đất Đan Mạch, một bước thay đổi lập trường mang tính lịch sử.

Sau khi tặng toàn bộ kho pháo cho Ukraine, Đan Mạch đã lên kế hoạch tài trợ cho những hợp đồng giữa Kiev và các công ty quốc phòng đang thiếu tiền của Ukraine để sản xuất vũ khí phù hợp với nhu cầu chiến trường đang thay đổi.

Tiêm kích F-35 của Na Uy tham gia một cuộc tập trận với các nước đồng minh. Ảnh: AP

Tiêm kích F-35 của Na Uy tham gia một cuộc tập trận với các nước đồng minh. Ảnh: AP

Theo Anna Wieslander, giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Stockholm, việc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine là một cách bền vững để tăng cường khả năng răn đe trước Nga

"Việc liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta với nhau là một tín hiệu rất mạnh mẽ", Wieslander nói.

Con đường chung của Bắc Âu có thể rẽ nhánh trong tương lai. Ví dụ, Đan Mạch và Thụy Điển sẵn sàng đóng góp quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine một khi lệnh ngừng bắn được thiết lập; nhưng Phần Lan, với đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga, có thể sẽ muốn giữ quân ở trong nước.

Nhưng hiện tại, một khối Bắc Âu thống nhất có thể trở thành mô hình cho các nhóm quốc gia khác đối phó với các thách thức, như tình hình căng thẳng xung quanh Biển Đen. Mô hình này cũng có thể đóng vai trò là chính sách bảo hiểm cho tương lai, nếu liên minh xuyên Đại Tây Dương tan rã dưới thời ông Trump, Matti Pesu, chuyên gia cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, nhận định.

"Đây có thể là Kế hoạch B tiềm năng nếu NATO không còn hoạt động hiệu quả", ông nói.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Lượt xem: 6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *